(CMO) Thông qua việc học tập và làm theo Bác, ở các cấp hội phụ nữ huyện Ðầm Dơi xuất hiện những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả sâu rộng trong hội viên và cộng đồng, góp phần tích cực thực hiện công tác giảm nghèo; phát triển kinh tế, văn hoá, an sinh xã hội ở địa phương.
Đa phần hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện ở khu vực nông thôn, công việc chính là nội trợ, sản xuất kinh tế hộ gia đình. Với chị em, có được việc làm, ngành nghề phù hợp, góp thêm thu nhập cho gia đình là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực nhất. Xuất phát từ đây, từ huyện đến cơ sở hội luôn chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, bám sát cơ sở trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của hội; quan tâm xây dựng nhiều mô hình mới, hoạt động sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.
Ðiển hình là Ðề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn huyện. Với đề án này, nhiều cơ sở hội đã linh hoạt tổ chức các mô hình phù hợp, tạo cơ hội việc làm, khơi dậy sự sáng tạo để chị em cùng phát triển đi lên, tạo được sự đồng tình cao, sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ; từ đó quy tụ, thu hút phụ nữ vào tổ chức hội.
Chị Hoàng Thị Nhật, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Ðức, thăm và tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Lệ (thứ hai từ trái sang), ấp Hoà Ðức, xã Tân Ðức. |
Quán cà phê Kim Em, Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, được Hội LHPN huyện chọn làm địa điểm tổ chức lễ ra mắt “Không gian sinh hoạt chung”. Tại đây có tủ sách khởi nghiệp, trưng bày các sản phẩm của chị em để giới thiệu, quảng bá giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Ðồng thời, đây cũng là không gian để các chị em có cùng sở thích thường xuyên họp mặt trao đổi, trình bày các ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ cùng phát triển.
Từ các ý tưởng khởi nghiệp được nêu ra, các cơ sở hội chọn giúp đỡ 48 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp khả thi, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét hỗ trợ vốn để chị em thực hiện ý tưởng. Hội LHPN huyện đã giới thiệu cho 10 chủ thể tham gia bán sản phẩm của địa phương tại các gian hàng OCOP và gian hàng của Hội LHPN tỉnh. Năm qua, hội phụ nữ cơ sở đăng ký về UBND huyện 7 sản phẩm tiềm năng đạt chuẩn OCOP trong năm 2022. Việc nhân rộng, điển hình, biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu được ghi vào sổ nêu gương tại chi, tổ hội, biểu dương các chị có nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều chị em làm chủ tài chính, kinh tế gia đình, vươn lên cuộc sống khá.
Sống tại Khóm 4, thị trấn Ðầm Dơi, việc mua bán nhỏ gặp khó khăn, chị Dương Ánh Hồng có ý tưởng chuyển sang thực hiện mô hình giặt sấy. Cùng với sự hỗ trợ, động viên của Hội LHPN thị trấn, chị Hồng đầu tư 60 triệu đồng mua 4 máy giặt, sấy, hiện nay mỗi ngày chị nhận giặt từ 40-60 kg quần áo, với giá 8.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí, còn trên 300 ngàn đồng, giúp chị có nguồn thu ổn định cho gia đình.
Tận dụng diện tích đất trống khoảng 300 m2 trước sân, quanh nhà, vợ chồng bà Lư Hồng Ngoan và ông Huỳnh Vũ Phong, Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, luân phiên trồng các loại rau như: cải xanh, cải thìa, xà lách, hẹ, dưa leo, đậu đũa..., bình quân mỗi ngày thu nhập thêm 300 ngàn đồng. Bà Ngoan cho biết: "Vuông tôm có khi trúng, khi thất kéo dài, thu nhập không ổn định, chứ riêng mô hình rau màu, chúng tôi lấy ngắn nuôi dài, có thêm nguồn thu ổn định hàng ngày. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô trồng bằng nhà lưới, tạo nguồn rau sạch phân phối ở chợ Ðầm Dơi, cung cấp cho đám tiệc đặt số lượng lớn".
Bà Lư Hồng Ngoan (bìa trái) luân phiên trồng các loại rau như: cải xanh, cải thìa, xà lách, hẹ, dưa leo, đậu đũa..., bình quân mỗi ngày thu nhập 300 ngàn đồng. |
Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 luôn được các cấp hội phụ nữ huyện Ðầm Dơi quan tâm. Năm 2022, hội vận động mạnh thường quân tặng trên 3 ngàn phần quà “San sẻ yêu thương” đến các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn trên địa bàn với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Vận động cất 6 căn nhà tình thương, 2 cây nước cho phụ nữ nghèo, trị giá trên 300 triệu đồng. Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” giai đoạn 2022-2026, có 41 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ (trong đó có 11 trẻ mồ côi do dịch Covid-19) được các cấp hội và mạnh thường quân nhận làm mẹ đỡ đầu. Các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu đã quan tâm chăm lo cho trẻ về tinh thần, vật chất; tổ chức thăm, động viên, khích lệ các em, tổng trị giá trên 50 triệu đồng...
Bà Nguyễn Thị Màu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Từ phong trào học Bác, thi đua phát triển kinh tế, sáng tạo trong nếp nghĩ, cách làm, nhiều chị em hội viên đã gầy dựng các mô hình kinh tế tại nhà như: làm bánh khéo, chả cá, tôm khô, cá khô, bánh phồng, tôm cua giống, mua bán nhỏ, đan lú... Từ đó, ngoài nguồn kinh tế chính là vuông tôm, chị em có thêm nguồn thu nhập phụ. Ðôi khi nguồn thu nhập phụ lại trở nên ổn định, bền vững và phát triển mạnh, hình thành cơ sở quy mô khi bắt nhịp được xu hướng, nhu cầu thị trường".
Phó chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ, với kết quả đạt được, tới đây, ban chấp hành hội LHPN từng cấp tiếp tục chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch của hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ðội ngũ cán bộ hội các cấp bám sát chỉ đạo, bám sát cơ sở, biết vận dụng, cụ thể hoá kịp thời nhiệm vụ công tác hội gắn với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ. Từ đó, thôi thúc phụ nữ phát huy ý chí, tự lực tự cường, quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.
Loan Phương