(CMO) Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa thống nhất chủ trương giao tài sản “Ngân hàng đất” cho Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh/cho thuê/liên doanh, liên kết, với diện tích 11 ha, gồm các hạng mục công trình như: bãi chứa đất, cầu tàu, hàng rào, hệ thống thoát nước.
Ông Nam thông tin, mô hình Ngân hàng đất thuộc xã Trần thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, được xây dựng từ Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Tiểu vùng X - Nam Cà Mau, thuộc Tiểu dự án 13, Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL - WB6.
Ngân hàng đất có nhiệm vụ tiếp nhận bùn nạo vét từ các kênh cấp 1, 2 thuộc Tiểu vùng X - Nam Cà Mau và tiếp tục nhận bùn đất nạo vét các kênh khác trong tiểu vùng X và lân cận trong những năm tiếp theo. Từ đó tiến hành xử lý, tái sử dụng vật liệu nạo vét phục vụ cho sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh/cho thuê/liên doanh, liên kết các mục đích phát triển hạ tầng như làm nền đường giao thông, san lấp nền dân cư...
Bãi tập kết đất mênh mông nước, đó là hiện trạng của “Ngân hàng đất” thời điểm này. |
Cổng vào “Ngân hàng đất” dây leo bám đầy sau thời gian không hoạt động. |
“Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh mới, mang tính đặc thù, chưa có tỉnh nào thực hiện. Đồng thời, chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương nên đơn vị chưa có cơ sở thực hiện”, ông Nam cho hay.
Ông Nam thông tin thêm, để khai thác hiệu quả tài sản đã đầu tư, đơn vị đang thuê tư vấn lập đề án sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp vào mục đích liên doanh, liên kết chọn nhà thầu có năng lực tài chính, thiết bị và kinh nghiệm thi công các công trình thủy lợi nhằm kinh doanh có hiệu quả, tạo nguồn thu ổn định cho đơn vị sự nghiệp công lập.
“Nhằm góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí tài sản công đã được nhà nước đầu tư, dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa Ngân hàng đất vào hoạt động”, ông Nam cho biết./.
Trung Đỉnh