Sau bao năm luỵ đò, đến đầu năm 2014, các tuyến đường liên thông đến trung tâm các xã trong huyện Ngọc Hiển được hoàn thiện, tuyến lộ nhựa trải dài thay cho những con đường đất đen, những chiếc cầu bê-tông bắc ngang những con kinh, rạch. Những đổi thay này đem đến cho các em học sinh quê biển Ngọc Hiển niềm vui lớn. Giờ đây, các em không phải ngồi chờ đợi những chuyến đò, mỗi con nước ròng không phải xắn quần lội qua những bãi bùn để vào lớp.
Sau bao năm luỵ đò, đến đầu năm 2014, các tuyến đường liên thông đến trung tâm các xã trong huyện Ngọc Hiển được hoàn thiện, tuyến lộ nhựa trải dài thay cho những con đường đất đen, những chiếc cầu bê-tông bắc ngang những con kinh, rạch. Những đổi thay này đem đến cho các em học sinh quê biển Ngọc Hiển niềm vui lớn. Giờ đây, các em không phải ngồi chờ đợi những chuyến đò, mỗi con nước ròng không phải xắn quần lội qua những bãi bùn để vào lớp.
Là huyện gặp khó khăn nhất về điều kiện địa lý tại Cà Mau, với hệ thống sông rạch chằng chịt, đường đến trường của các em học sinh tại huyện Ngọc Hiển chủ yếu là đường thuỷ. Với những em học sinh cấp II, III có thể chủ động hơn, nhưng với những em vừa mới vào cấp I, nhất là những điểm trường không có đò đưa rước, phụ huynh phải thay phiên nhau đưa rước.
Lộ giao thông được xây dựng cơ bản, tạo thuận lợi cho thầy và trò Trường Tiểu học 3 xã Tam Giang Tây đến trường. |
Đưa rước con em đi học ở những điểm trường nơi vùng sâu là cả một vấn đề. Đời sống của bà con địa phương vốn dĩ nhiều khó khăn nên kinh phí xăng dầu cũng phải tiết kiệm, nhất là những em nhà xa, khi ba mẹ thay phiên nhau đưa rước phải ngồi lại chờ đợi hằng giờ trong sân trường, đến khi các em tan học thì chở về, bao công việc làm ăn phải bỏ hết.
Trường học cây lá tạm không còn, nhưng đường đến trường thì xa xôi, nhiều khó khăn nên việc huy động giáo viên về các điểm trường gặp không ít trở ngại. Nhiều giáo viên không mấy mặn mà khi đến với những điểm trường tại xã.
“Ngày trước có nhiều giáo viên đăng ký về trường dạy, nhưng sau cả buổi trời lênh đênh trên sông nước, về đến đầu kinh thì chỉ lắc đầu ngán ngẩm rồi đi về”, chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 xã Tam Giang Tây.
Do điều kiện giao thông đi lại gặp nhiều bất tiện nên những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh phải cho con em mình bỏ học giữa chừng vì không thể đưa rước.
Qua rồi gian khó
Trên đây là những chuyện của vài năm về trước, còn giờ thì: “Từ lúc có đường đến nay, việc đi đến trường lớp của các em học sinh thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là điểm trường tại các xã được xoá bớt, tập trung về những điểm chính tiện việc đi lại cho các em học sinh”, thầy Trần Văn Út, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển, chia sẻ.
Còn chuyện thu hút giáo viên về huyện cũng khác, giờ các điểm trường đã cân đối được đội ngũ giáo viên. Những giáo viên trẻ vừa ra trường đăng ký về địa phương ngày càng nhiều.
Cô Trương Thị Cẩm Hường, giáo viên Trường Tiểu học 3 xã Tam Giang Tây, cho biết: “Từ khi có lộ, các anh chị em trong trường rất phấn khởi, cuộc sống nơi đây tốt hơn nhiều. Hiện giáo viên trong trường góp vốn cùng nhau mua xe máy để thuận tiện cho việc đi lại và phục vụ sinh hoạt. Việc giảng dạy cũng được nâng cao phần nào, nếu trước đây việc trang bị dụng cụ và tài liệu giảng dạy gặp nhiều khó khăn thì giờ đây chỉ mất khoảng 1 buổi là có thể bổ sung cho các em học sinh”./.
Bài và ảnh: Khánh Phương