Tiết học cuối của ngày cuối tuần, các em học sinh khối 9 của Trường THCS Hàng Vịnh (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), không phải học theo thời khoá biểu thường lệ mà các em được “xả hơi” bằng buổi sinh hoạt ngoại khoá.
Tiết học cuối của ngày cuối tuần, các em học sinh khối 9 của Trường THCS Hàng Vịnh (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), không phải học theo thời khoá biểu thường lệ mà các em được “xả hơi” bằng buổi sinh hoạt ngoại khoá.
Buổi sinh hoạt có chủ đề về biển đảo, hình thức sinh hoạt ngoại khoá tương tự như cuộc thi: các em học sinh chia ra thành 4 đội (Côn Ðảo, Hoàng Sa, Trường Sa, Hòn Khoai), mỗi đội lần lượt bắt các câu hỏi, trả lời và tính điểm... Mở đầu buổi sinh hoạt, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt đặt ra câu hỏi: “Có em nào biết quần đảo Hoàng Sa có bao nhiêu đảo không?”. Trước sự im lặng của các em học sinh, cô Nguyệt gợi mở: “Nào, các em muốn biết thì đi vào phần thi sẽ rõ”.
Trường Hàng Vịnh trao thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc. |
Sân trường giờ không chỉ là nơi các em học sinh vui chơi, giải trí sau những giờ tan học mà còn là nơi để Trường THCS Hàng Vịnh giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, biển đảo. Sân trường có điểm đặc biệt: đó là bản đồ Việt Nam. Nền của bản đồ được trồng hoa, trên bản đồ có nhiều mô hình mô phỏng những địa danh nổi tiếng của mỗi vùng, miền như: cột cờ Lũng Cú ở địa đầu Tổ quốc, Lăng Bác, chợ Bến Thành… biểu tượng đặc trưng của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và vì là ngôi trường nằm ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc nên điều hiển nhiên là bản đồ không thể thiếu biểu tượng con thuyền và toạ độ nơi Mũi Cà Mau.
Chia sẻ về buổi ngoại khoá, em Trần Thanh Ngân (lớp 9C) nói: “Buổi sinh hoạt vui vì không khí rất cởi mở, khác hẳn không khí trong phòng học, nhiều ý nghĩa vì giúp em hiểu thêm về chủ quyền biển đảo quê hương, bổ sung cho em nhiều kiến thức quan trọng”. Còn em Hoả Thị Phương Linh (lớp 9B) thì chia sẻ: “Chủ quyền trên biển cũng như 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã được ông cha ta khẳng định cách đây hàng trăm năm. Buổi sinh hoạt đã giúp em thêm nhiều kiến thức về quê hương biển, đảo quê hương Việt Nam”.
Nói về việc xây dựng tấm bản đồ tại sân trường, thầy Trần Ðức Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hàng Vịnh, cho biết: “Trong những lần họp chuẩn bị cho năm học mới và “muốn có cái gì đó” làm điểm nhấn kỷ niệm 20 năm thành lập trường, đón nhận sự kiện trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, ngoài việc làm cho trường lớp đẹp hơn, sạch hơn, chất lượng tốt hơn, các thầy cô giáo cũng tự đặt câu hỏi nếu sân trường đã đẹp, sạch hơn sao không biến nó trở nên thân thiện hơn. Vì vậy, các thầy cô đã góp ý làm bản đồ Việt Nam ngay tại sân trường”.
Khi ý tưởng làm tấm bản đồ đã được thông qua, thầy cô trong trường đóng góp 1 phần lương mua các vật liệu về xây dựng. “Kiến trúc sư” chính trong việc xây dựng bản đồ là thầy Trần Ðình Hoài (giáo viên Ðịa lý) và cô Nguyễn Thị Hằng (giáo viên Mỹ thuật) của trường.
Theo thầy Hương, để có sân trường thân thiện, ý nghĩa như hôm nay là nhờ sự đóng góp của các em học sinh, phụ huynh và tập thể thầy, cô của trường. “Nhiều thầy, cô bỏ công sức hàng tháng trời lặn lội đi khắp nơi xin những cây xanh tại các vườn nhà, ao tôm của dân để đem về trồng tại sân trường. Các thầy cô cũng hì hục xắn tay đào ao nuôi cá, xây bồn hoa. Các em học sinh thì sưu tầm những câu ca dao, châm ngôn và trang trí thư viện xanh. Giá trị ngày công lao động thầy và trò của trường bỏ ra tương đương hàng trăm triệu đồng nhưng trên hết đã làm cho sân trường xanh, sạch, đẹp hơn. Qua việc này, nhiều thầy đã biết và có thêm nghề... thợ hồ”, thầy Hương chia sẻ.
Sau khi tan học, vào buổi chiều cổng trường không bao giờ khép lại. Nhiều người dân, trẻ em sống lân cận hay vào sân trường hóng mát, vui chơi giải trí. Rất thích thú với những mô hình thể hiện trên bản đồ, hằng ngày tiếp xúc với bản đồ này, mọi người mường tượng được hình ảnh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...
Trưởng Phòng Giáo dục huyện Năm Căn Lê Văn Ðức cho biết, nhiều lần đến Trường THCS Hàng Vịnh và rất ấn tượng việc trường xây dựng bản đồ Việt Nam trong không gian xanh thân thiện của trường. “Cách làm của trường là một trong những phương pháp đổi mới việc dạy và học. Việc giáo dục học sinh không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn có thể diễn ra bên ngoài thông qua các buổi học ngoại khoá. Trường đã tạo ra mô hình rất sinh động và hiệu quả giáo dục cao. Thông qua bản đồ, trường có thể làm nơi giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, biển đảo”./.
Bài và ảnh: Phong Thái