Với anh Ðăng Khoa (phường 8, TP Cà Mau), “nuôi” heo đất là niềm vui, là nơi để “cất” tiền lẻ. Cứ thế, mỗi khi có vài ngàn, anh lại cho “heo ăn”. Heo được đặt trên ngăn tủ làm việc, nên hôm nào không có tiền lẻ, sợ “heo đói”, anh lại mở bóp cho “ăn sang” với tờ tiền mệnh giá lớn hơn.
Với anh Ðăng Khoa (phường 8, TP Cà Mau), “nuôi” heo đất là niềm vui, là nơi để “cất” tiền lẻ. Cứ thế, mỗi khi có vài ngàn, anh lại cho “heo ăn”. Heo được đặt trên ngăn tủ làm việc, nên hôm nào không có tiền lẻ, sợ “heo đói”, anh lại mở bóp cho “ăn sang” với tờ tiền mệnh giá lớn hơn.
Ngay từ khi bắt đầu “nuôi”, anh Khoa không hề có ý định sẽ khui nó, vì nghĩ, tiền lẻ chẳng bao nhiêu, không làm được gì. Cho đến khi, bạn bè trên mạng xã hội vận động gây quỹ giúp bé gái 5 tuổi, ngụ xã Hoà Thành, TP Cà Mau duy trì sự sống vì chứng bệnh tan máu bẩm sinh, anh Khoa mới nghĩ ngay đến con heo, và anh không ngờ số bạc lẻ được chắt góp suốt 1 năm lên đến hơn 1,3 triệu đồng. Anh dùng hết số tiền ủng hộ cho bé. Từ đó, anh bắt đầu có suy nghĩ khác về giá trị của những tờ tiền lẻ, và duy trì thói quen “nuôi heo” với ý niệm có thể giúp ích cho người khác.
Từ đóng góp của học sinh, sinh viên, cán bộ, viên chức, hằng năm, CLB Nụ Cười Hồng tổ chức từ 2-3 chương trình thiện nguyện cho trẻ em nghèo. |
Ðược ba mẹ dạy tính tiết kiệm từ việc mua quà bánh, tích góp tiền ăn vặt để mua những món đồ mình thích, Thuý Vy (học sinh lớp 9, Trường Nguyễn Thái Bình, TP Cà Mau) còn cùng bạn bè góp tiền tiêu vặt để những dịp như Trung thu, Tết Nguyên đán đến thăm, vui chơi cùng các em thiếu nhi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Vy chia sẻ: “Tiền tụi em góp tuỳ khả năng từng bạn, chỉ từ 10.000-30.000 đồng/bạn. Tuy không nhiều, nhưng có thể mang đến niềm vui cho các em, và ngay chính tụi em. Sau mỗi chuyến đi, mỗi đứa tụi em lên kế hoạch riêng để “bỏ ống” cho những chuyến sau”.
Anh Nguyễn Hoàng Ðạo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội (HÐÐ) tỉnh Cà Mau, cho biết, từ lâu, HÐÐ Trung ương đã triển khai nhiều chương trình mang ý nghĩa huy động “sức mạnh” của tiền lẻ. Tiêu biểu nhất là “Kế hoạch nhỏ” mà nay trở thành phong trào rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, được đông đảo các em thiếu nhi hưởng ứng bằng nhiều hình thức: quyên góp giấy vụn, phế liệu; nuôi heo đất…
“Kiến tha lâu đầy tổ. Từ việc nhỏ, mỗi em tiết kiệm tiền mua quà vặt, góp 1.000-2.000 đồng mà tạo được nguồn quỹ giúp bạn khó khăn, hay đến thăm, hỏi các gia đình chính sách. Qua đó, các em hiểu việc làm ý nghĩa, dần tạo nên phong trào. Hiện, các em đội viên, thiếu nhi đã thành lập được nhiều tổ, nhóm, câu lạc bộ tạo lập nhiều quỹ: Quỹ Cùng tiến, Quỹ Giúp bạn đến trường, Quỹ Trái tim nhân ái,… Tất cả đều mang tính sáng tạo, tự nguyện”, anh Nguyễn Hoàng Ðạo phấn khởi.
Bên cạnh các phong trào giúp đỡ bạn nghèo, chương trình “Tiếp sức đến trường” được HÐÐ các cấp quan tâm phát động nhiều phong trào ý nghĩa như “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn vượt khó”, “Quỹ Vì bạn nghèo”, “Ngôi nhà Khăn quàng đỏ”… Chỉ tính trong năm học 2014-2015, 69 em học sinh bỏ học đã được vận động trở lại trường.
Theo anh Nguyễn Hoàng Ðạo, trước ý kiến dư luận cho rằng, học sinh có quá nhiều loại tiền để đóng, nên ngay khi triển khai thực hiện các phong trào, chương trình gây quỹ, HÐÐ tỉnh quán triệt rõ các chỉ tiêu chung và khuyến khích các đơn vị sáng tạo những mô hình, cách làm gây quỹ mang tính chất tự nguyện, giúp các em hiểu được giá trị đồng tiền và sức lao động như: bán giấy vụn, ve chai, quyên góp sách cũ, quần áo cũ...
Bài và ảnh: Băng Thanh