(CMO) Trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, nhất là gia đình khó khăn không may bị ốm đau bệnh tật, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, có tính chia sẻ cộng đồng, mà còn được xem là chiếc phao cứu sinh đối với gia đình người bệnh. Do đó, việc triển khai linh hoạt các biện pháp nhằm thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được các cấp, ngành thực hiện và đạt được kết quả khả quan.
Bị bệnh tai biến và điều trị tại Cần Thơ 5 tháng, sau khi xuất viện, ông Trương Văn Phong, 59 tuổi, Khóm 3, Phường 6, TP Cà Mau, đến Phòng khám Ða khoa Thành Lợi để tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Tại đây, nhờ có tham gia BHYT nên các chi phí điều trị bệnh của ông đã được BHYT thanh toán, từ đó giúp ông an tâm điều trị bệnh, phục hồi sau tai biến.
Theo ông Trương Văn Phong cho biết, ông bị bệnh tai biến đến nay là 7 tháng, trước đó ông được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Cần Thơ 5 tháng, sau đó thì về Cà Mau tiếp tục điều trị. Nhờ có tham gia đầy đủ BHYT nên dù điều trị ở bệnh viện nào ông cũng được thanh toán đúng quy định. “Hiện nay tôi đang được các bác sĩ hướng dẫn tập vật lý trị liệu, mỗi liệu trình kéo dài 2 tuần. Nhờ có BHYT nên 2 tuần tôi chỉ cần đóng hơn 350.000 đồng. Gần nhà, chi phí điều trị thấp, bệnh ngày càng giảm nên bản thân tôi và gia đình rất an tâm. Phải nói, nếu không có tấm thẻ BHYT không biết tiền đâu mà tôi có thể điều trị bệnh hơn 7 tháng qua”, ông Phong xúc động chia sẻ.
Việc điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cần thời gian dài, chi phí cao nên các bệnh nhân phải có BHYT để đảm bảo tài chính trong khám, điều trị bệnh. (Ảnh: Châm cứu phục hồi chức năng tại Khoa Y dược cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện U Minh). |
Hơn 1 năm nay ông Quách Xuân Sơn, Ấp 2, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cũng phải điều trị thường xuyên, liên tục sau khi bị tai biến mạch máu não. Sau khi nằm điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu ổn định, ông được chuyển xuống Khoa Y dược cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện U Minh. Sau hơn 1 năm điều trị, căn bệnh của ông đã ổn định, việc đi lại đã dễ dàng hơn rất nhiều. “Mọi người dân nên tham gia BHYT, bởi không biết bản thân sẽ mắc bệnh lúc nào, nếu không có thẻ BHYT, bệnh ập đến là khổ lắm, tiền bạc nào chịu nổi”, ông Sơn chia sẻ.
"Một ngày khoa tiếp nhận từ 50-60 lượt bệnh nhân. Ðây là khoa phải sử dụng các thiết bị y tế hiện đại nên chi phí điều trị khá cao. Bên cạnh đó, việc điều trị cần thời gian dài, nếu người bệnh không tham gia BHYT thì dịch vụ chăm sóc tại khoa có thể không đảm bảo và không thể duy trì chăm sóc hàng ngày cho bệnh nhân được", Bác sĩ Bùi Văn Hưởng, Trưởng khoa Y dược cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện U Minh, cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Ba, Khóm 2, Phường 7, TP Cà Mau, bị bệnh liệt dây thần kinh số 7, mắt, miệng đều bị lệch hẳn sang một bên. Việc ăn, ngủ gặp khó khăn, cộng với chi phí điều trị nhiều đã khiến cho bà rơi vào bế tắc. Sau thời gian điều trị theo phương pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, sức khoẻ bà dần ổn định, và hơn hết là nhờ có BHYT nên chi phí điều trị bệnh đã được BHXH thanh toán nên bà và gia đình an tâm hơn rất nhiều.
Ông Ngô Hồng Việt, chồng bà Nguyễn Thị Thu Ba, chia sẻ: "Trong 7 tháng điều trị bệnh cho vợ tôi, nếu không có thẻ BHYT chắc có lẽ gia đình phải chi hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Do đó, việc tham gia BHYT là điều rất cần thiết, nếu không bệnh thì mình may mắn, nếu không may mình bị ốm đau bệnh tật thì giảm được gánh nặng chi phí rất lớn, cả người bệnh và gia đình đều an tâm điều trị".
Không thể phủ nhận lợi ích thiết thực mà tấm thẻ BHYT mang lại cho người dân trong việc chăm sóc sức khoẻ, giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Do đó, người dân cần tham gia đầy đủ BHYT, mà nhất là đối với người có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau, bệnh tật thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội./.
Thanh Phương