ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 28-9-24 00:21:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Giải quyết thoả đáng, kịp thời chế độ chính sách cho giáo viên

Báo Cà Mau Theo báo cáo của Sở Tài chính, từ năm 2011 đến nay, chỉ có riêng huyện Phú Tân là không phát sinh các khoản nợ chế độ chính sách đối với giáo viên. Các huyện còn lại và TP Cà Mau đã phát sinh khoản nợ chế độ chính sách đối với giáo viên là 139,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, từ năm 2011 đến nay, chỉ có riêng huyện Phú Tân là không phát sinh các khoản nợ chế độ chính sách đối với giáo viên. Các huyện còn lại và TP Cà Mau đã phát sinh khoản nợ chế độ chính sách đối với giáo viên là 139,2 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết: “Việc nợ lương và chế độ chính sách giáo viên trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, quyền lợi cũng như tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, vấn đề này cũng gây ra dư luận không tốt đối với công tác quản lý, điều hành của UBND các cấp trong việc thực thi các quy định về chế độ chính sách đối với giáo viên, đặc biệt là những giáo viên đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”.

Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, trực tiếp là vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đến thời điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân khẳng định: “Ðã ổn định được tình hình nợ chế độ chính sách đối với giáo viên trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo sát sao, đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục triệt để tình hình trên, không để giáo viên phải thiệt thòi, tiếp tục yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà”.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên an tâm công tác. (Trong ảnh: Giờ lên lớp của cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Cà Mau).             Ảnh: MINH TẤN

Vào cuộc quyết liệt

Ngay khi có báo cáo của các bên liên quan, tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra, rà soát để có cái nhìn toàn cục và chính xác nhất về tình hình nợ chế độ chính sách đối với giáo viên. Ông Quân thông tin: “Việc nợ chế độ chính sách có nguyên nhân khách quan là do số lượng học sinh thực tế cao hơn số lượng theo dự toán giao, các địa phương tập trung nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, hệ số lương bình quân của giáo viên cao, thừa thiếu giáo viên cục bộ…”. Ðứng trước tình hình trên, việc nỗ lực khắc phục, đề ra biện pháp hữu hiệu để giải quyết là ưu tiên hàng đầu của tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên.

Tỉnh cũng nhìn nhận nghiêm túc những nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng trên. Ông Quân phân tích: “Công tác quản lý, điều hành ngân sách của UBND cấp huyện còn nhiều hạn chế. Các huyện chi mua sắm và sửa chữa trường lớp tương đối lớn dẫn đến mất cân đối nguồn sự nghiệp giáo dục của huyện. Không báo cáo số lượng học sinh thực tế cao hơn so với dự toán được giao. Không rà soát, báo cáo tình hình nợ chế độ chính sách của giáo viên cho cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định. Không thực hiện nâng lương, quyết định hưởng thâm niên cho giáo viên đúng quy định”.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kinh phí sai mục đích như huyện U Minh sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình 135 để phân bổ chi các hoạt động khác. Chi trả hợp đồng giáo viên vượt chỉ tiêu và phụ cấp làm thêm giờ lớn (riêng huyện Trần Văn Thời là 35,3 tỷ đồng). Lãnh đạo một số địa phương buông lỏng công tác quản lý, điều hành nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục. Công tác phối hợp giữa phòng giáo dục - đào tạo với phòng tài chính - kế hoạch không chặt chẽ.

Ông Quân nhận định: “Mặc dù UBND tỉnh chủ trương cho các huyện, TP Cà Mau tạm ứng ngân sách năm 2017 để xử lý vấn đề nợ chế độ chính sách đối với giáo viên với số tiền là 53,4 tỷ đồng nhưng đến nay huyện U Minh còn nợ 14,5 tỷ đồng và huyện Thới Bình còn nợ 4,2 tỷ đồng. Qua đó, cho thấy các địa phương chưa quan tâm, ưu tiên chi trả các chế độ, chính sách cho giáo viên”.

Ông Quân cho biết thêm: “Không chỉ dừng lại ở mức ổn định tình hình, mục tiêu của UBND tỉnh là giải quyết triệt để tình hình, không để việc nợ chế độ chính sách tái diễn. UBND tỉnh đã chỉ đạo hàng loạt giải pháp mang tính thời điểm và định hướng về vấn đề này. Tỉnh Cà Mau khẳng định, sẽ không để giáo viên chịu thiệt thòi, có điều kiện tốt nhất để yên tâm cống hiến. Công tác điều hành, lãnh đạo và phối kết hợp của các cấp UBND cũng phải được chấn chỉnh, không để xảy ra những vấn đề gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín tỉnh nhà”.

Khắc phục triệt để

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND và trưởng phòng giáo dục - đào tạo các huyện: Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Ðầm Dơi, Cái Nước và TP Cà Mau.

Ông Quân cho biết: “UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát kỹ các nhiệm vụ chi thực tế phát sinh từ năm 2011 đến nay mà tỉnh chưa bổ sung hoặc đã phân bổ nhưng chưa đảm bảo kinh phí thực hiện. Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ ngân sách cho các huyện, TP Cà Mau trước ngày 31/10/2016”.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện và TP Cà Mau cân đối nguồn, khẩn trương chi trả các khoản nợ còn lại đối với giáo viên. Trường hợp địa phương không cân đối được, báo cáo về Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét cho tạm ứng trước ngân sách năm 2017, đảm bảo thanh toán dứt điểm các khoản nợ đối với giáo viên trước ngày 20/11.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc sắp xếp viên chức sự nghiệp giáo dục từ nơi thừa sang nơi thiếu, trên cơ sở đó đề xuất phương án hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Ðối với những đơn vị báo cáo chậm trễ, cung cấp số liệu không chính xác, đề xuất giải pháp không khả thi, yêu cầu Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo để UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.

Ông Quân thông tin thêm: “Riêng huyện Cái Nước, giao các bên liên quan tham mưu, đề xuất phương án giải quyết tình trạng mất cân đối kinh phí sự nghiệp giáo dục do hệ số lương bình quân của giáo viên cao và ảnh hưởng của hụt thu ngân sách 17 tỷ đồng năm 2013”.

Tỉnh Cà Mau luôn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ giáo viên, Phó Chủ tịch Trần Hồng Quân cam kết: “Ðảm bảo điều kiện tốt nhất để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”.

Các sở, ngành và địa phương liên quan căn cứ hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng tiêu chí, cơ chế phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục cho các huyện, tham mưu UBND tỉnh trình HÐND tỉnh quyết định trong kỳ họp cuối năm 2016.

Với những nhóm giải pháp khả thi và đầu công việc cụ thể, UBND tỉnh Cà Mau đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt giải quyết thoả đáng và kịp thời các chế độ chính sách cho giáo viên. Ông Quân nhấn mạnh: “Lĩnh vực giáo dục, trong đó, có đội ngũ giáo viên có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, mong rằng các thầy, cô giáo tiếp tục đóng góp tâm sức, trí tuệ và nhiệt huyết vì tương lai của mảnh đất Cà Mau”./.

Bài và ảnh: Phạm Nguyên

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.