(CMO) Thời gian qua, ngành chức năng, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc giải toả các hàng đáy trên sông. Dù người đóng đáy đã có ý thức chấp hành, song việc giải toả chưa dứt điểm vì còn rất nhiều vướng mắc.
Những hàng đáy chiếm gần hết chiều rộng sông ở khu vực gần cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời - dù đây là nơi có lưu lượng ghe, tàu ra vào đông đúc. |
Trên địa bàn xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời hiện có 3 hộ dân làm nghề đóng đáy. Đã qua, UBND xã tuyên truyền, vận động những hộ dân này tháo dỡ các hàng đáy trên, thế nhưng, đến thời điểm này, các hàng đáy vẫn còn hoạt động.
Ông Huỳnh Văn Minh, 1 trong 3 hộ dân có hàng đáy tại xã Phong Lạc, cho biết: “Chính quyền có tuyên truyền, mình cũng biết là vi phạm, có thể gây cản trở giao thông. Hiện tại cũng không có tôm cá bao nhiêu, thế nhưng vẫn không thể tháo dỡ vì cả gia đình chỉ có nguồn thu này”.
Ông Võ Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc, cho biết, trên địa bàn xã chỉ có 3 hộ làm nghề đóng đáy. Thế nhưng, việc giải toả gặp rất nhiều khó khăn do các hộ này đều là hộ nghèo, không có đất sản xuất, mấy chục năm nay họ đã mưu sinh bằng nghề này. Xã thì không có quỹ đất để hỗ trợ cũng như nguồn kinh phí để trợ giúp.
Đây cũng là khó khăn chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh có hệ thống đáy cá, đáy sông nhiều như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Theo ông Nguyễn Thanh Sử, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Hiển, hiện trên địa bàn huyện có 351 hàng đáy cá, đang thụ hưởng từ nguồn lợi này.
Đây là những hàng đáy đã tồn tại từ lâu, bao đời nay họ được phép mưu sinh bằng nghề này. Đa phần những hộ này thuộc đối tượng gia đình chính sách, do đó, cần phải có bước nghiên cứu thực sự hợp lý cho việc chuyển đổi này. Phía huyện cũng đang lúng túng vì vẫn chưa biết sẽ có hỗ trợ hay chính sách như thế nào đối với họ.
Trước thực tế trên, ngày 9/2, Văn phòng UBND tỉnh có công văn thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải về việc triển khai công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động lực lượng giải toả dứt điểm các hàng đáy, vật chướng ngại trên sông rạch trong năm nay. Trong quá trình thực hiện, cần ưu tiên chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với điều kiện thực tế. Song song đó, các địa phương cần kiên quyết không để phát sinh các hàng đáy mới. Sau khi thực hiện giải toả, nếu địa phương nào để xuất hiện hàng đáy thì người đứng đầu địa phương sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm.
Thế nhưng, việc giải toả dứt điểm những hàng đáy không phải là chuyện một sớm, một chiều. Người dân đã đồng thuận chủ trương chung, vấn đề còn lại là phải giải quyết căn cơ về hỗ trợ sinh kế cho người dân sau khi giải toả./.
Song Khuê