(CMO) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải về việc giải toả thanh thải vật chướng ngại trên sông, đến thời điểm hiện tại, các huyện trên địa bàn toàn tỉnh hầu như đã đồng loạt ra quân triển khai thực hiện công tác này một cách khá quyết liệt.
Tuy nhiên, câu chuyện giải toả vẫn chưa có hồi kết khi địa bàn sau giải toả vẫn thực sự chưa giữ được, vật chướng ngại vừa được dẹp hôm trước thì cứ y rằng vài ngày sau lại như “nấm mọc sau mưa”. Chính quyền cơ sở vẫn đang loay hoay tìm giải pháp, trong khi thời điểm để thực hiện dứt điểm công tác này đang đến gần.
Con kinh Bá Huê thuộc địa bàn xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi có chiều dài gần 10 km. Đây là tuyến kinh đi qua 3/6 ấp của xã. Tính đến thời điểm này, với hình ảnh các loại nò, đó, lú, chà các loại cắm đầy cả một khúc kinh thì hầu như ai cũng có chung nhận định là như chưa hề có cuộc ra quân nào của chính quyền địa phương trong công tác thanh thải, giải toả vật chướng ngại tại khu vực này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, chính quyền xã đã ra quân giải toả 6 cuộc, thế nhưng đâu vẫn vào đấy, người dân vẫn vô tư tái chiếm con kinh.
Người dân mưu sinh bằng nghề đặt lú trên sông. |
Phó chủ tịch UBND xã Trần Phán Trần Thanh Liêm cho biết: “Sau khi giải toả xong, lãnh đạo xã giao trách nhiệm cho các ấp gặp từng hộ làm cam kết không tái chiếm, nếu ai vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã qua chủ yếu thực hiện công tác tuyên truyền là chính, do trên địa bàn xã số hộ nghèo không đất sản xuất, sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông vẫn còn nhiều. Do vậy, chính quyền địa phương ra quân giải toả xong thì vài ba bữa họ lại tìm cách đặt lại, lấy lú thì họ mua lú khác để làm tiếp, bởi đây là cuộc sống hàng ngày của họ. Vấn đề giải toả vật chướng ngại trên sông cũng đã thực hiện khá nhiều năm, thế nhưng vẫn chưa dứt điểm”.
Nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn như trường hợp xã Trần Phán. Đây dường như là thực trạng chung mà nhiều chính quyền cơ sở đau đầu tìm cách giải quyết. Làm thế nào để giải quyết công ăn, việc làm cho người dân, nhất là đối với những hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc, để họ không còn tái chiếm lòng sông làm kế mưu sinh hàng ngày đang là một bài toán cần sự vào cuộc của các ngành các cấp.
Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, đến thời điểm hiện tại, các huyện, thành phố đã tổ chức 120 cuộc ra quân giải toả các tuyến sông, kinh trên địa bàn, với hơn 560 đáy cá, gần 600 lú, trên 13.000 cây cọc đã được tháo dỡ. Kết quả thu được là vậy, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều xã, việc quản lý địa bàn sau giải toả gặp rất nhiều khó khăn, do kinh phí cấp xã còn hạn hẹp, lực lượng mỏng, phải thuê phương tiện bên ngoài, nên việc tổ chức kiểm tra, chống tái chiếm không được thực hiện thường xuyên, khả năng tái chiếm rất cao.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Bằng, quá trình kiểm tra công tác giải toả vật chướng ngại trên tuyến sông tại một số địa phương đã bộc lộ một số vấn đề. Đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên, kể cả công tác tuyên truyền vận động bà con tự tháo dỡ vật chướng ngại trên các tuyến sông, việc cưỡng chế tháo dỡ, quản lý địa bàn sau giải toả. Chính vì thế, sau mỗi đợt giải toả, người dân có tâm lý ỷ lại rằng, giải toả xong rồi cũng sẽ được tái chiếm lại.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp người dân không đất sản xuất, có hoàn cảnh khó khăn sống chủ yếu bằng nghề đặt nò, đó, vó, lú trên sông để làm nguồn thu nhập chính. "Do đó, để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, tổ chức điều tra, thống kê có bao nhiêu trường hợp là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông để tổ chức dạy nghề, đào tạo nghề miễn phí cho người dân chuyển đổi nghề. Ngành chức năng xây dựng những làng nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản ven sông nếu hội đủ điều kiện, người dân có thể vào mưu sinh một cách hợp lý, hợp pháp”, ông Bằng thông tin thêm./.
Song Khuê