(CMO) Do dịch Covid-19 nên nhiều chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh không thể tổ chức triển khai thực hiện được và kinh phí đã được hoàn trả ngân sách theo quy định.
Cụ thể, thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và đề ra nhiệm vụ năm 2022 được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức vào sáng nay 21/12 cho biết, các chương trình, chính sách không thể tổ chức triển khai thực hiện được như: chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS; công tác phổ biến về một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS; công tác thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025"; công tác tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025; các chính sách đặc thù của địa phương đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 135 của năm 2020 chuyển sang năm 2021, đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 75 công trình đầu tư xây dựng mới và 68 công trình duy tu, bảo dưỡng, giải ngân nguồn vốn được trên 20 tỷ đồng. Còn năm 2021, tỉnh Cà Mau vẫn chưa được Trung ương phân bổ vốn thực hiện.
Hội nghị đồng thời tổng kết Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2017-2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg, ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Ông Trần Hoàng Nhỏ, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể và cá nhân đạt thành tích trong việc thực hiện Đề án. |
Ban Dân tộc tỉnh đánh giá, trong năm 2021, mặc dù kinh tế của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương, cơ sở; cùng với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, nên công tác quản lý nhà nước về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khá tốt.
Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Nhà nước đã góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS nói riêng cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Theo dự thảo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh 4.310 hộ, chiếm 1,41%, giảm 0,34%; trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 729 hộ, chiếm 16,91% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 6,23% tổng số hộ đồng bào DTTS (giảm 1,35%). Tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh 4.688 hộ, chiếm tỷ lệ 1,53%, giảm 0,35%; trong đó, hộ cận nghèo đồng bào DTTS 504 hộ, chiếm 10,75% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh và chiếm 4,31% tổng số hộ đồng bào DTTS (giảm 0,67%).
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được ban hành và thực hiện kịp thời, đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân. Hạ tầng nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS của tinh tiếp tục được quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư, tạo điều kiện giao thương, lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân trong vùng; hệ thống các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh tiếp tục được nâng lên. |
Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Dân tộc cũng nhận định, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS trong vùng.
Ngoài ra, hiện có khá nhiều hộ DTTS làm việc ngoài tỉnh đã trở về địa phương, trong đó phần đông có hoàn cảnh rất khó khăn, do đó dự báo sẽ tạo áp lực lớn đến công tác quản lý nhà nước và an sinh xã hội đối với các địa phương vùng đồng bào DTTS…
Quỳnh Anh