(CMO) “Tính đến thời điểm này, hoạt động của loại xe hợp đồng trá hình (xe dù) đã hạn chế rất nhiều nên các bến tự phát (bến cóc) cũng giảm theo. Từ đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông ổn định hơn”, Đại uý Hồng Hoàng Biếu, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Cà Mau, thông tin.
Thực hiện Kế hoạch số 43/KH-CAT-PV11 của Giám đốc Công an tỉnh về “kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc trên địa bàn tỉnh”, từ tháng 4/2017, CSGT tỉnh đã tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tổ chức nhiều ca kiểm soát và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sau 3 tháng ra quân quyết liệt, lực lượng CSGT tỉnh đã kiểm tra 108 lượt ô-tô vận tải hành khách, phát hiện 90 trường hợp vi phạm: không hợp đồng, hợp đồng không đúng quy định, bán vé cho hành khách trên xe hợp đồng… Qua đó, lực lượng làm nhiệm vụ đã xử phạt vi phạm hành chính trên 90 triệu đồng, tước 17 giấy phép lái xe, đề nghị Sở Giao thông vận tải thu hồi 12 phù hiệu.
Lực lượng CSGT lập biên bản xử lý xe dù.Ảnh: Hoàng Giang |
Nhìn nhận ở góc độ nào đó, xe hợp đồng trá hình hoạt động rầm rộ một thời gian trên địa bàn tỉnh, một phần là do nhu cầu đi lại của bà con vùng nông thôn ngày càng tăng và đòi hỏi tiện lợi, ít tốn kém chi phí. Người dân ở tận xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), nếu như muốn đi TP. Hồ Chí Minh thì phải tốn thêm chi phí (đi từ dưới quê lên Cà Mau) trước khi có tấm vé lên xe, đồng thời phải tính toán thời gian nếu không sẽ lỡ chuyến theo dự định cho việc khám bệnh, làm ăn… Trong khi, đi xe hợp đồng trá hình thì họ chỉ cần ở nhà điện thoại đặt chỗ, giờ đi và được, đưa rước tận nơi.
Tuy nhiên, phải hiểu rằng xe hợp đồng trá hình là xe hoạt động chui trên tuyến cố định, nên phương tiện không vào bến, chủ xe không phải đăng ký tuyến, đăng tài, tổ chức phòng vé và xuất bán vé… đồng nghĩa với việc phương tiện không có sự quản lý, kiểm tra thường xuyên. Mặt khác, do không bị chế tài như xe hoạt động tuyến cố định, nên quy định về thời gian hoạt động của lái xe, mua bảo hiểm cho hành khách và hơn hết là hành lý của khách nếu có bị thất lạc hay mất mát… chủ xe không quan tâm. Tóm lại, đi trên những chuyến xe hợp đồng trá hình là “lợi bất cập hại” mà khi có “hại” xảy ra, thiệt thòi chính là hành khách.
Theo Đại uý Hồng Hoàng Biếu, hiện tại, xe hợp đồng trá hình cơ bản đã được kiểm soát, hầu hết các xe hoạt động trước đây giờ đã vào bến ổn định. Lực lượng CSGT vẫn tiếp tục tổ chức kiểm soát và kiên quyết xử lý loại xe hoạt động dạng này. Tuy nhiên, duy trì trật tự và xử lý triệt để xe hợp đồng trá hình, ngoài nỗ lực của CSGT cần sự phối hợp chặt chẽ của thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, cũng như cần tăng cường quản lý Nhà nước về doanh nghiệp vận tải hành khách
Mỹ Pha