(CMO) Khoảng 2 năm trở lại đây, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Ðặc biệt, tại Cà Mau, sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân có xu hướng gia tăng.
Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số: ví điện tử, Mobile Banking, mã QR… Hạn chế trao đổi tiền mặt, chủ động thanh toán mọi lúc mọi nơi trong giao dịch đang là lựa chọn của nhiều khách hàng hiện nay khi giao dịch, mua sắm.
Chị Nguyễn Phương Thanh, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, chia sẻ: “Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, tôi chuyển sang thanh toán bằng hình thức chuyển khoản khi đặt mua hàng Online, vừa tiện lợi, vừa hạn chế được việc sử dụng tiền mặt, dễ bị lây lan dịch bệnh”.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ gia đình chọn hình thức thanh toán tiền điện, tiền nước qua ngân hàng hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động.
Chị Huỳnh Mỹ Nhân, ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi đăng ký trừ qua tài khoản ngân hàng theo tháng. Tôi thấy vậy cũng tiện, vì gia đình tôi đi làm suốt, đôi khi nhân viên đến nhà thu không gặp lại phiền. Từ khi đăng ký trừ tiền từ tài khoản thẻ, tôi thấy tiện vô cùng, cũng không lo bị cắt điện nếu mình quên thanh toán hoá đơn”.
Thực tế cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt giúp hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hoá, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hoá và dịch vụ.
Dạo quanh các quán trên địa bàn tỉnh, từ quán cà phê đến các quán ăn lớn nhỏ đều cài đặt phần mềm để khách hàng tiện quét mã khi thanh toán, giao dịch. Ðiều đó có thể thấy những thay đổi tích cực từ người tiêu dùng cho đến chủ các cửa hàng, tất cả đã nhanh chóng thích ứng, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán và bán hàng trên môi trường mạng.
Hầu hết các quán ăn, quán cà phê đều in mã QR để khách hàng thuận tiện giao dịch. |
Ðể đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng, tại quán mì của chị Phan Thuỳ Trang, Khóm 2, Phường 9, TP Cà Mau, dán thêm số tài khoản để khách có thể chuyển khoản mà không cần dùng đến tiền mặt.
Chị Trang chia sẻ: “Trước giờ tôi chỉ toàn dùng tiền mặt để trao đổi mua bán, hiếm khi sử dụng tới tài khoản ngân hàng, nhưng kể từ khi dịch bệnh tạm lắng xuống, tôi mở buôn bán lại thì đa phần khách hàng yêu cầu chuyển khoản để phòng ngừa dịch bệnh. Ban đầu tôi hơi lúng túng vì không sử dụng thường xuyên, nhưng giờ thì ổn rồi, tôi thấy tiện lắm”.
Không chỉ chị Trang mà hầu hết các chủ quán ăn, quán cà phê đều ghi mã QR tại quầy thanh toán hoặc tại bàn ăn uống để khách hàng tiện quét mã. Là người buôn bán hơn 30 năm nay, bà Lâm Kim Hoa, Khóm 1, Phường 2, TP Cà Mau, cũng bắt đầu “tập tành” mở tài khoản, sử dụng điện thoại thông minh để giao dịch khi khách hàng có yêu cầu.
Bà Hoa vui vẻ: “Trước giờ gia đình tôi bán chè, giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt chứ có biết đến tài khoản ngân hàng, rồi chuyển khoản là gì đâu, vả lại ly chè có bao nhiêu tiền mà chuyển khoản. Nhưng sau khi dịch bệnh đi qua thì nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng. Ðược mấy đứa nhỏ hướng dẫn, ai đến mua, có nhu cầu, tôi đọc số tài khoản rồi họ chuyển vào, tôi thấy cũng dễ”.
Qua khảo sát, hầu hết các tiểu thương, hộ kinh doanh… rất hào hứng và nhanh chóng tiếp cận với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt này.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử vừa an toàn, vừa tiện lợi.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng mới bởi những tiện ích mà nó mang lại. Tin rằng đây sẽ là tiền đề tạo nên thói quen cho người dân trên địa bàn tỉnh trong chi tiêu, mua sắm, kinh doanh. Chính điều này cũng từng bước giúp tỉnh hướng tới việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai./.
Kim Cương