Thời gian qua, hệ thống trường, lớp của tỉnh Cà Mau được quy hoạch và mở rộng tương đối hoàn chỉnh với sự phát triển khá cân đối các cấp học, bậc học. Mạng lưới trường lớp rải đều ở các xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất trường, lớp ngày càng hoàn chỉnh và khang trang hơn. Trang thiết bị phục vụ dạy và học cơ bản đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Tổng số trường học và cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn tỉnh do ngành giáo dục quản lý có 562 đơn vị, tăng 2 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước.
Thời gian qua, hệ thống trường, lớp của tỉnh Cà Mau được quy hoạch và mở rộng tương đối hoàn chỉnh với sự phát triển khá cân đối các cấp học, bậc học. Mạng lưới trường lớp rải đều ở các xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất trường, lớp ngày càng hoàn chỉnh và khang trang hơn. Trang thiết bị phục vụ dạy và học cơ bản đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Tổng số trường học và cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn tỉnh do ngành giáo dục quản lý có 562 đơn vị, tăng 2 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước.
Nần tảng ổn định
Công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn được tăng cường. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được nâng lên một cách rõ nét, đảm bảo yêu cầu về số lượng, nâng cao về chất lượng. Chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn ngành hiện tại trên 18.200 người.
Giáo dục Cà Mau đang trong quá trình tiệm cận với xu thế hiện đại, nơi học sinh trở thành đối tượng trung tâm. |
Tỷ lệ huy động học sinh ở các bậc học, cấp học theo xu thế tăng, giảm khá hợp lý. Riêng cấp học mầm non và THCS đều tăng khá cao; giáo dục đạo đức, nếp sống và kiến thức văn hoá cho học sinh, sinh viên có tiến bộ; ngành giáo dục đã tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội; giáo dục chuyên nghiệp và không chính quy có quy mô đào tạo liên tục được mở rộng, góp phần vào việc phân luồng học sinh sau THCS và thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực cho địa phương.
Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và dạy học, Sở GD&ÐT tiếp tục tổ chức tập huấn các phần mềm quản lý nhà trường, quản lý học sinh (hệ thống V.EMIS, phần mềm VietSchool 2011 của Công ty Prosoft, SMAS 2.0 của Viettel, vnEdu của VNPT), phần mềm Phổ cập giáo dục - Chống mù chữ và cách khai thác các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày bài giảng điện tử, e-Learning. Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm mã nguồn mở cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cốt cán để triển khai thực hiện ở cơ sở. Hướng dẫn triển khai xây dựng website theo công nghệ mới (cổng thông tin điện tử) với 8/9 phòng GD&ÐT và 21/47 đơn vị trực thuộc Sở GD&ÐT đã có website riêng đi vào hoạt động có hiệu quả.
Tạo điểm nhấn
Khối các phòng giáo dục huyện, thành phố có nhiều mô hình mới, sáng kiến hay, việc làm tốt góp phần tích cực cho phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn. Ðối với cấp học mầm non, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được đẩy mạnh với hiệu quả tích cực. Tiêu biểu có TP Cà Mau đã hoàn thành chuẩn phổ cập 17/17 phường, xã; huyện Thới Bình 7/12 đơn vị, đạt 58,33%. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao so với các năm học trước. Cấp học mầm non đã công nhận thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia so với các năm học gần đây, tiêu biểu có TP Cà Mau, huyện Thới Bình. Hội thảo Vùng 6 (các Sở GD&ÐT vùng ÐBSCL) về công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tại Cà Mau đã khơi dậy phong trào rộng khắp và hiệu quả trong toàn tỉnh, được các Sở GD&ÐT trong vùng đánh giá cao.
Môi trường giáo dục phổ thông với việc triển khai hiệu quả phương pháp "Bàn tay nặn bột" kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở các cấp học đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong công tác đổi mới phương pháp dạy học. Việc tổ chức tốt cũng như thành quả đạt được từ các hoạt động như: hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên thư viện giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Ðội giỏi, thi Olympic Toán tuổi thơ; tổ chức giao lưu và thi cán bộ quản lý giáo dục giỏi cấp tiểu học... nhất là việc duy trì và từng bước nhân rộng phong trào nhận đỡ đầu học sinh gặp khó khăn trong học tập của đội ngũ thầy cô giáo, đã tạo ra những tác động và hiệu quả tích cực trong toàn ngành.
Nhiều mô hình mới, sáng kiến hay, việc làm tốt trong hoạt động quản lý, giảng dạy như: Trường THPT Hồ Thị Kỷ, THPT Cà Mau thực hiện đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ trong quản lý nhân sự, quản lý điểm công khai, điểm trên mạng. Các Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, Hồ Thị Kỷ, Cà Mau, Tắc Vân, Thới Bình... tổ chức sinh hoạt ngoại khoá cho học sinh về các chủ đề Giáo dục dân số - Sức khoẻ sinh sản vị thành niên; phòng, chống HIV/AIDS, các tệ nạn xã hội.
Các Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, THPT Hồ Thị Kỷ... tổ chức lễ ra trường cho học sinh lớp 12 đã tạo được những hiệu ứng tích cực, những ấn tượng tốt đẹp đối với học sinh và phụ huynh. Ðặc biệt, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Cà Mau tổ chức tuyên truyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc nhân các ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc Khmer.
Khối các trường Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp cũng đang từng bước tự khẳng định thương hiệu đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương. Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cà Mau là những đơn vị đảm bảo tốt việc đào tạo chính quy theo các mã ngành được cho phép. Phối hợp với Hiệp hội các Trường Cao đẳng, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Cà Mau tổ chức thành công Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy, nghiên cứu khoa học trong các Trường Cao đẳng, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật”./.
Bài và ảnh: Phạm Nguyên