Phong trào Đoàn, Đội trong nhà trường không chỉ là nhịp cầu gắn kết các em học sinh mà còn là nơi giáo dục những kỹ năng sống cần thiết nhất giúp các em hoàn thiện bản thân. Từ đó, các em có cách ứng xử đúng mực với bạn bè xung quanh cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn cá nhân, tránh xa vấn nạn bạo lực học đường.
Phong trào Đoàn, Đội trong nhà trường không chỉ là nhịp cầu gắn kết các em học sinh mà còn là nơi giáo dục những kỹ năng sống cần thiết nhất giúp các em hoàn thiện bản thân. Từ đó, các em có cách ứng xử đúng mực với bạn bè xung quanh cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn cá nhân, tránh xa vấn nạn bạo lực học đường.
Suy cho cùng, nguyên nhân của bạo lực học đường là từ giáo dục mà ra. Giáo dục ở đây không chỉ riêng về phía nhà trường mà còn là sự giáo dục của gia đình và xã hội.
Các hoạt động tập thể giúp các em có được sân chơi lành mạnh, học tập những kỹ năng cần thiết để nói không với bạo lực học đường. |
Giáo dục của gia đình là yếu tố quyết định đến việc hình thành nhân cách của các em. Có không ít bậc cha mẹ dành nhiều thời gian cho công việc bên ngoài mà thiếu sự quan tâm đến con mình. Ðặc biệt có những gia đình cư xử với nhau bằng bạo lực, nói tục, chửi thề, lời nói và hành động thô lỗ. Những việc diễn ra hằng ngày như thế sẽ ăn sâu vào tiềm thức của các em, tạo ra cách hành xử cũng mang đầy tính bạo lực. Về phía nhà trường, hầu hết đều chú trọng vào kiến thức của các môn học chứ chưa quan tâm nhiều đến các môn đạo đức, giáo dục công dân. Bên cạnh đó, sự phát triển của xã hội kéo theo những hệ quả nghiêm trọng, các em được tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá từ bên ngoài, đặc biệt là qua internet. Rồi cũng từ internet, các em tìm đến các game hay phim ảnh bạo lực...
Các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội luôn có tầm ảnh hưởng nhất định đến nhận thức của giới trẻ. Nhà trường nên phát huy vai trò của tổ chức Ðoàn, Ðội trong việc giáo dục học sinh song song với việc học kiến thức văn hoá. Nên tổ chức nhiều hoạt động tập thể để học sinh tham gia, khi đó các em sẽ có sự gắn kết, trao đổi và bộc lộ cá tính của mình, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bạn bè, và sẽ có những nhận thức đúng đắn. Hơn nữa, tham gia các hoạt động Ðoàn, Ðội sẽ rèn luyện cho các em những kỹ năng sống cần thiết, biết cách ứng xử, đặc biệt là cách giải quyết các mâu thuẫn bằng phương pháp hoà nhã, tránh đánh nhau, gây gổ dẫn đến tình trạng bạo lực học đường.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau Nguyễn Hoàng Ðạo thông tin, thời gian qua, Tỉnh đoàn kết hợp với các trường để tổ chức cho các em học sinh có được nhiều sân chơi lành mạnh. Ðối với các trường ở địa bàn các huyện, Tỉnh đoàn cũng đã triển khai nhiều chương trình hoạt động đến các giáo viên Tổng phụ trách Ðoàn, Ðội. Nhưng không phải trường nào cũng thực hiện tốt. Có trường duy trì hoạt động thường xuyên, nhưng có nhiều trường chỉ tổ chức hoạt động một vài lần, thiếu chủ động. Các trường cũng chưa có nhiều hoạt động gắn kết học sinh hay những chương trình riêng về bạo lực học đường để tư vấn cho học sinh.
Thầy Huỳnh Trí Tâm, Tổng phụ trách Ðội, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Quang Trung, chia sẻ: “Không chỉ riêng Trường Tiểu học Quang Trung mà hầu hết các trường tiểu học đều chưa xảy ra bạo lực học đường, chỉ có trường hợp những em học sinh hơi ngỗ nghịch, cá biệt nhưng nhà trường đều có biện pháp riêng để giáo dục các em. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đua theo chủ điểm của từng tháng để học sinh tham gia. Riêng những em thường xuyên vi phạm hoặc học sinh cá biệt, Ban chỉ huy liên đội kết hợp với giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp thích hợp lôi cuốn các em tập trung học tập hoặc tham gia hoạt động của trường lớp, giúp các em cởi mở hơn, hoà mình vào hoạt động chung, không còn vi phạm. Tôi nghĩ, nên rèn luyện học sinh từ những lớp nhỏ để các em có thể phát triển nhận thức theo một nền tảng vững chắc”.
Việc tăng cường các hoạt động Ðoàn, Ðội không chỉ để các em có được sân chơi lành mạnh mà còn để giáo dục kỹ năng sống và còn là sợi dây gắn kết các em với nhau, xây dựng nên một tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường./.
Bài và ảnh: Vân Anh