Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau mà không ít phụ huynh trang bị xe đạp cho con tự chạy đến trường và ngược lại. Tập cho các em “tự lập” cũng là điều tốt, nhưng với học sinh tiểu học và THCS thì liệu có an toàn không khi mà phần đông các em chưa hiểu biết pháp luật giao thông (PLGT).
Hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau mà không ít phụ huynh trang bị xe đạp cho con tự chạy đến trường và ngược lại. Tập cho các em “tự lập” cũng là điều tốt, nhưng với học sinh tiểu học và THCS thì liệu có an toàn không khi mà phần đông các em chưa hiểu biết pháp luật giao thông (PLGT).
Tại khu vực nông thôn, giao thông đường bộ phát triển, những chuyến đò đưa rước học sinh cũng giảm dần, số lượng học sinh đến trường bằng xe đạp tăng lên. Trong khi đó, những tuyến lộ nông thôn thường rất nhiều khúc quanh che khuất tầm nhìn, mà các em thì “có đường là đi”, thậm chí còn chạy hàng hai, hàng ba để dễ trò chuyện, có khi là rủ nhau đua coi ai đạp nhanh hơn… Ðáng lo ngại là trên các tuyến tỉnh lộ, đường sá chưa hoàn chỉnh, lại có nhiều loại phương tiện tham giao thông cùng lúc, nhưng các em học sinh cứ vô tư chạy xe, đùa giỡn trên đường rất mất an toàn.
Học sinh tiểu học đạp xe đi học nguy hiểm chực chờ. (Ảnh chụp trên tuyến tỉnh lộ Cái Nước - Phú Tân). |
Những năm gần đây, ngoài việc mở các tuyến đường ô-tô về trung tâm xã, các tuyến lộ nông thôn trên địa bàn huyện Phú Tân cũng phát triển rất nhanh, số lượng học sinh đi học bằng xe đạp cũng tăng lên. Theo Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Tân Huỳnh Hùng Cường: Tuy việc tham gia giao thông của các em học sinh còn phức tạp và khó kiểm soát, nhưng dẫu sao đó cũng là sự phát triển của xã hội. Thế nên, thời gian qua, Phòng Giáo dục đã chỉ đạo các trường phải thường xuyên tuyên truyền PLGT trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp vào cuối tuần. Ðồng thời, kết hợp với lực lượng Huyện đoàn xây dựng cổng trường an toàn…
“Từng bước giáo dục học sinh ý thức hơn về trật tự an toàn giao thông chứ không thể cấm các em tự đạp xe đến trường. Bởi, không ít em là con gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Trước đây, khi đường đi còn trắc trở, nhiều phụ huynh đưa con đi học bằng xuồng. Nhà xa nên phụ huynh ở lại đâu đó xung quanh để đợi rước con khi tan trường. Giờ đây, đã có lộ thì để con tự đi học, phụ huynh khỏi lãng phí thời gian để lao động mưu sinh”, ông Cường bộc bạch.
Thầy Nguyễn Khánh Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Quảng, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Hiện tại, trường chưa có nhiều học sinh đi học bằng xe đạp, mà các em có đi xe thì đoạn đường cũng không xa lắm (từ nhà đến trường). Dù vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục PLGT vẫn được nhà trường thực hiện thường xuyên. Giờ tan trường giáo viên cũng theo dõi nhắc nhở nên các em có ý tứ hơn, thường đi đúng phần đường của mình”.
Tuyến đường bê-tông bên bờ Ðông sông Cái Tàu, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh có chiều dài 19 km hiện đang xuống cấp, nhưng trên tuyến này có đến 7 trường học. Giờ tan trường, học sinh ra về rất đông, học sinh thì rất hiếu động và không thể kiểm soát hành vi của mình. Tình trạng chen lấn dẫn đến té ngã, thương tích nhẹ cơ thể là không thể tránh khỏi. Nhìn chung, nhận thức của học sinh về PLGT còn rất kém. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục trật tự ATGT trong học đường là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các trường cũng nên có hình thức kỷ luật nghiêm đối với trường hợp học sinh vi phạm quy định ATGT.
Song, nếu có thể thì phụ huynh không nên để con em mình (nhất là cấp tiểu học) tự đạp xe đến trường. Ðiều đó cũng góp phần đảm bảo trật tự ATGT, cũng như bảo vệ các em, tránh những sự cố đáng tiếc luôn thường trực trên bước đường các em đạp xe đến trường./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha