Nhằm tăng cường công tác giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các em học sinh, Trường THPT Nguyễn Mai, THPT Phú Hưng, huyện Cái Nước đã xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa trong khuôn viên nhà trường.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Chính vì thế, công tác tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình hiện nay.
Nhằm tăng cường công tác giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các em học sinh, Trường THPT Nguyễn Mai, THPT Phú Hưng, huyện Cái Nước đã xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa trong khuôn viên nhà trường.
Trường THPT Nguyễn Mai là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh khởi xướng xây dựng cột mốc Trường Sa. Từ việc vận động tiết kiệm tiền ăn sáng của các em học sinh và giáo viên (2.000 đồng/tuần/học sinh và 10.000 đồng/tuần/giáo viên), cột mốc Trường Sa với chiều cao 3 m, rộng 3 m, ốp đá và ghi rõ vĩ độ, kinh độ được xây dựng với tổng số tiền trên 30 triệu đồng. Công trình khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam 15/10/2016.
Giờ Giáo dục quốc phòng tại Trường THPT Phú Hưng. |
Thầy Lê Chí Nguyễn, Bí thư Ðoàn Trường THPT Nguyễn Mai, cho biết: “Không phải ai cũng có điều kiện được đặt chân đến Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, chúng tôi xây dựng cột mốc với đầy đủ thông tin về kinh độ, vĩ độ, thông qua mô hình này nhà trường mong muốn giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu biển, đảo cho các thế hệ học sinh, giúp các em hiểu được sự hy sinh to lớn trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo của các thế hệ cha, anh đi trước, từ đó nhận thức đúng đắn về biển, đảo quê hương, mai sau góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.
Tại Trường THPT Phú Hưng, nội dung tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo được nhà trường lồng ghép trong các tiết học chính khoá môn Ðịa lý, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng và trực tiếp tuyên truyền cho học sinh tại các buổi sinh hoạt ngoại khoá, chào cờ đầu tuần… Ngoài nội dung trong các chuyên đề của bộ tài liệu, giáo viên bộ môn chủ động sưu tầm, bổ sung những thông tin mới, xây dựng bài giảng về chủ quyền biển, đảo thêm phong phú, đa dạng để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
Ngoài kiến thức cơ bản do giáo viên truyền đạt, các em còn được tìm hiểu qua tranh, ảnh tư liệu, phim tài liệu về đề tài biển, đảo. Bên cạnh đó, để các em vừa học, vừa chơi, vừa nắm vững kiến thức về chủ quyền biển đảo, mỗi năm trường, Ðoàn trường tổ chức các cuộc thi "Tự hào Việt Nam" và nhiều chương trình gắn với tình yêu quê hương, biển đảo Việt Nam.
“Mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, đem những kiến thức đã được học giới thiệu với người thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Công trình cột mốc Trường Sa là niềm tự hào rất lớn đối với giáo viên và học sinh. Ðây chính là không gian lý tưởng để các em cảm nhận rõ hơn sự gần gũi, gắn bó giữa quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa với đất liền ngay trong chính mái trường thân yêu của mình”, thầy Nguyễn nhận định.
Thầy Mạc Thành Công, Tổ trưởng Tổ bộ môn Giáo dục quốc phòng, Trường THPT Phú Hưng, cho biết: “Hằng tuần, chúng tôi đều sinh hoạt dưới mô hình cột mốc. So với những lý thuyết trên sách vở thì việc xây dựng cột mốc tại khuôn viên nhà trường có tác động cực kỳ lớn đến ý thức tự giác, chủ động học hỏi của học sinh. Ðặc biệt, cột mốc như nhắc nhở mỗi chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng và giữ vững chủ quyền lãnh thổ”.
“Việc xây dựng cột mốc gắn liền với cột cờ, mỗi thứ 2 hằng tuần hay các ngày lễ lớn, đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, cột mốc Trường Sa, chúng em thật sự rất xúc động, tự hào. Ðây là việc làm rất hay và ý nghĩa, hy vọng sắp tới trên mỗi ngôi trường của Việt Nam đều sẽ có những hình ảnh này”, em Diệp Thu Thảo, lớp 11C1, Trường THPT Phú Hưng, chia sẻ.
Nhân rộng phong trào học tập
Bên cạnh giáo dục tình yêu biển đảo, thực hiện tiêu chí trường học thân thiện, học sinh tích cực, thời gian qua, Trường THPT Nguyễn Mai liên tục tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, thu hút học sinh tham gia.
Năm học 2015-2016, trường tổ chức 2 phong trào Xã hội học tập và Rung chuông vàng. Hình thức thi đua là tích luỹ điểm trong quá trình xây dựng bài, phát biểu trên lớp: học sinh xuất sắc đạt 14 điểm 8/tháng sẽ nhận danh hiệu sao vàng, 9 điểm 8/tháng nhận danh hiệu sao bạc. Hình thức thi đua như trên tạo ra phong trào học tập tích cực trong nhà trường. Từ khi phát động phong trào, thành tích học tập của học sinh toàn trường được nâng cao, mỗi em đều ra sức học tập, hăng hái xây dựng bài. Với danh hiệu sao vàng, các em sẽ nhận được giấy chứng nhận kèm theo 1 logo trị giá 120.000 đồng.
Ngoài ra, để các em có một môi trường, không khí trong lành trong quá trình học tập, Ðoàn trường còn phát động phong trào "Vườn hoa thanh niên". Mỗi lớp sẽ nhận một khu đất, tự trồng hoa, cây và chăm sóc theo sở thích, sáng tạo riêng của mỗi lớp. Từ đó, tại khuôn viên của trường có những vườn hoa vừa đẹp lại mang ý nghĩa khi chỉ tận dụng khoảng đất nhỏ, các em thiết kế trồng hoa theo hình chữ S bản đồ Việt Nam, lá cờ sao vàng.
Em Hồ Hương Giang, học sinh lớp 11C1, Trường THPT Nguyễn Mai, hào hứng: “Trường có nhiều phong trào rất hay, kích thích được sự thi đua học tập giữa các khối, lớp. Riêng bản thân em càng ra sức học tập và trau dồi kiến thức. Ðược sống và học tập trong một môi trường thân thiện, linh hoạt và đi đầu trong các phong trào, em rất tự hào”./.
Bài và ảnh: Nhi Ngô