Năm 2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, đã tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử với hơn 900 cá nhân có sử dụng internet trong phạm vi cả nước. Có 36% số người tham gia khảo sát cho biết thời lượng sử dụng internet từ 3-5 giờ mỗi ngày; người sử dụng trên 9 giờ mỗi ngày chiếm 21%.
Năm 2014, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, đã tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử với hơn 900 cá nhân có sử dụng internet trong phạm vi cả nước. Có 36% số người tham gia khảo sát cho biết thời lượng sử dụng internet từ 3-5 giờ mỗi ngày; người sử dụng trên 9 giờ mỗi ngày chiếm 21%.
Số khảo sát 900 người chưa đủ lớn nhưng cũng có cơ sở để nhận định, với khoảng 36 triệu người Việt Nam có sử dụng internet, thời gian dùng internet trung bình của một người trong một ngày có thể hơn 3 giờ, người dùng chủ yếu là thanh niên trẻ tuổi, khả năng nhận thức còn hạn chế. Các sản phẩm văn hoá độc hại, thông tin sai trái qua các trang mạng xã hội, trang web phản động, đồi truỵ đã tác động tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ.
Những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ; mức độ toàn cầu hoá ngày càng cao. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ tiếp tục là đối tượng, mục tiêu mà các thế lực thù địch tập trung lôi kéo, kích động, chia rẽ (Chỉ thị 42-CT/TW).
Trong khi đó, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.
Thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Ðể đất nước giàu mạnh, văn minh và phồn thịnh, cần giáo dục thế hệ trẻ có tư tưởng, tri thức, đạo đức, sức khoẻ và văn hoá ngang tầm thời đại; kỹ năng lao động, có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế. Do đó, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhằm góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức trong sáng, ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng lao động, trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Trần Hùng Mạnh