(CMO) Những ngày đầu năm học mới, bên cạnh sự háo hức của học sinh được đến trường, từ thầy cô cho đến phụ huynh tại những vùng quê nghèo lại đón thêm những niềm vui mới. Trường lớp được xây mới, học sinh nghèo được hỗ trợ nhiều suất quà đến trường. Và từ đó, hành trình đi tìm tri thức từ đó cũng gần hơn với những đứa trẻ vùng quê.
Hơn một năm rồi, con đường đến trường Mẫu giáo Bông Hồng, xã Khánh Hội, huyện U Minh không còn phải đi qua con đê nữa mà đã được phủ lộ bê-tông. Ngôi trường cũ kỹ ngày nào đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Niềm vui tiếp tục được nhân đôi với cô trò của xã bãi ngang này khi năm học 2017-2018, trường đã khánh thành và đưa vào sử dụng thêm 4 phòng học mới.
Bớt nỗi nhọc nhằn
Nằm ở xã bãi ngang, trường Mẫu giáo Bông Hồng được thành lập từ năm 1998 ở ven tuyến đê. Do thời gian sử dụng lâu nên xuống cấp, điều kiện đến trường của các em cũng lắm nhọc nhằn. Năm 2016, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, trường được dời vào gần UBND xã và được đầu tư xây mới 10 phòng học.
Trường Mẫu giáo Bông Hồng được đầu tư xây mới thêm 4 phòng học khang trang, sạch sẽ. |
Bên ngôi trường khang trang còn thơm mùi sơn mới, phòng học được trang trí đẹp mắt, cô và trò vô cùng phấn khởi. Từ đây, các em có điều kiện học tập, vui chơi, đường đến trường cũng đỡ vất vả, phụ huynh yên tâm khi con em được học tập trong môi trường sư phạm hoàn thiện.
Cô Nguyễn Bé Chính, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Bông Hồng, cho biết: “Từ khi trường được dời vô gần tuyến lộ cái, điều kiện học tập và đến trường của cô trò bớt nhọc nhằn, chất lượng giáo dục cũng từ đó khởi sắc”.
Cô và trò Trường Mẫu giáo Bông Hồng trong giờ sinh hoạt. |
Năm học này, trường Mẫu giáo Bông Hồng đưa vào sử dụng 4 phòng học mới với kinh phí đầu tư xây dựng hơn 2 tỷ đồng. Đây là niềm vui để các em đến trường và cũng là động lực để thầy cô, đặc biệt là những giáo viên trẻ mới ra trường có thêm niềm tin gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Chung niềm vui như cô trò trường Mẫu giáo Bông Hồng, năm học mới này, trường Tiểu học Vương Nhị Chi, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh cũng được sửa chữa, nâng cấp lại các phòng học đã cũ, xuống cấp. Do thời gian sử dụng đã lâu nên phòng học đã trôi sơn, mái dột nước, nền bị sụp.
Thầy Đặng Trung Lọng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nằm ở xã khó khăn nên cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, đặc biệt là các điểm lẻ. Do nguồn kinh phí sửa chữa còn hạn chế nên chủ yếu tập trung tại điểm chính. Song, trong điều kiện khó khăn, tập thể nhà trường và phụ huynh học sinh vẫn cố gắng để các em đến trường, tránh những trường hợp bỏ học".
Giáo dục vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn luôn là một trong những địa chỉ cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Tại huyện U Minh, với nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ 20 điểm trường cùng số tiền được các công ty, doanh nghiệp và nhà hảo tâm hỗ trợ, ngành giáo dục huyện tiếp tục xây mới 6 phòng học.
Những ngôi trường được kiên cố hoá, trang thiết bị dạy học được đầu tư mua sắm, chất lượng giáo dục cũng từng bước nâng lên. Qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa những vùng quê nghèo với thành thị.
Ấm lòng học sinh nghèo
Năm học mới lại bắt đầu, với những huyện vùng sâu, có nhiều học sinh khó khăn thì còn đó nhiều điều trăn trở. Tuy nhiên, nhờ huy động mọi nguồn lực, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xe đạp, cặp, sách vở đến trường. Chăm lo xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành hoạt động thường xuyên mỗi dịp năm học mới.
Năm học mới này, cháu ngoại ông Ba Danh (Nguyễn Thanh Danh, Ấp 2, xã Nguyễn Phích) vừa được nhà trường tặng một chiếc xe đạp để đến trường. Bé Phạm Khánh Tam năm nay vào lớp 4 tại trường Tiểu học Vương Nhị Chi, em sống với ông bà ngoại. Là hộ nghèo, ông bà ngoại không có nghề nghiệp ổn định, lại lớn tuổi nên chuyện học của Tam rất vất vả và thiếu thốn. Tuy vậy, năm học nào em cũng đạt thành tích khá.
Món quà đầu năm học mới là động lực để Tam cố gắng hơn trong học tập. |
Nhà cách trường hơn 2 cây số, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên Tam phải đi bộ đến trường. Ước muốn có được chiếc xe đạp mới để ngày tựu trường tung tăng với bao bạn bè cùng trang lứa của Tam đã thành hiện thực. Tam chia sẻ: “Năm nay con được trường tặng xe, vậy là mỗi ngày đi học không phải vất vả nữa. Con mừng lắm và sẽ cố gắng học thật tốt”.
Ông Đặng Trung Lọng cho biết, năm học 2017-2018, trường có 325 học sinh, trong đó có 45 học sinh nghèo, 15 em cận nghèo và 20 em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài các chế độ chính sách dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm học mới, trường còn tích cực vận động để hỗ trợ các em tập vở…
Hành trang vào năm học mới đối với học sinh nghèo ở vùng sâu thật đơn giản. Một chiếc xe đạp, một vài quyển vở mới hay một bộ quần áo đủ lành lặn đến trường, nhưng đôi khi những điều đơn giản đó không phải ai cũng có điều kiện thực hiện. Đồng hành cùng những học trò nghèo có ý chí, quyết tâm vươn lên là một việc làm có ý nghĩa rất lớn, góp phần vào sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà
Kim Chi
Năm học 2017-2018, huyện U Minh có 45 trường, trong đó có 10 trường mẫu giáo, 25 trường tiểu học, 10 trường trung học cơ sở. U Minh có 2 xã bãi ngang (Khánh Hội và Khánh Tiến) và nhiều xã nghèo nên việc đầu tư phát triển giáo dục của huyện cũng gặp không ít khó khăn. Ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng phòng Giáo dục huyện U Minh, cho biết: “Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các em được đến trường. Đầu năm học mới này đã có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp, tập vở cho học sinh nghèo. Ngoài ra, công tác sửa chữa, xây dựng cơ sở trường lớp cũng đảm bảo phục vụ cho năm học mới”. |