Những năm qua, với quyết tâm cao độ, kiên trì, quyết liệt của Đảng ta, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả toàn diện, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước; được cán bộ, đảng viên, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, công tác này có bước biến mạnh từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, với nhiều giải pháp cụ thể được Đảng đề ra.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Đảng ta thực hiện quyết liệt qua nhiều nhiệm kỳ. Đến Đại hội XIII của Đảng mới có điểm mới trong công tác phòng, chống tham nhũng là đưa ra các giải pháp để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng.
Một là, để “không muốn tham nhũng”: Tiến tới làm cho cán bộ, đảng viên không muốn tham nhũng, giải pháp được đề ra là phải thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền để nâng cao sự tự giác, đặc biệt là đối với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng ý thức không muốn tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Giải pháp này rất phù hợp và cần thiết ở nước ta hiện nay vì trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, không phải chỉ có những cán bộ có mức tiền lương thấp, đời sống thiếu thốn, khó khăn mới thực hiện hành vi tham nhũng, mà trong thực tế có những cán bộ khá giả, thậm chí là rất giàu vẫn thực hiện các hành vi tham nhũng. Do vậy, việc thực hiện các giải pháp để cán bộ có ý thức không muốn tham nhũng là cần thiết và là điều kiện quan trọng để thực hiện không thể, không dám và không cần tham nhũng.
Hai là, để “không thể tham nhũng”: Nhằm tiếp tục tạo ra các điều kiện để cán bộ không thể thực hiện được các hành vi tham nhũng, các giải pháp được đưa ra là “đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”. Như vậy, nội dung trọng tâm của giải pháp để không thể tham nhũng là sự nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ chế chính sách để không có kẽ hở cho bất kỳ ai có thể lợi dụng thực hiện các hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định cần phải có “cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ”. Đây là một giải pháp rất phù hợp và thiết thực để phát huy vai trò tích cực của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Đặc biệt, để cán bộ không thể tham nhũng thì việc “kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt” là hết sức cần thiết, bởi lẽ xét đến cùng, việc quản lý chặt chẽ thu nhập, tiêu dùng và thực hiện truy xét đến cùng nguồn gốc các tài sản có giá trị của cán bộ là giải pháp căn cơ nhất để thực hiện mục tiêu không thể tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Ba là, để “không dám tham nhũng”: Nội dung trọng tâm của giải pháp này là “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí”. Như vậy, cùng với công tác giáo dục tuyên truyền để cán bộ không muốn tham nhũng và xây dựng thể chế, kiểm soát tài sản để không thể tham nhũng thì công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các hoạt động tư pháp sẽ là những “giải pháp cứng” góp phần quan trọng để cán bộ không dám tham nhũng. Đặc biệt, giải pháp “kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng” sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc răn đe đối với những cán bộ khác, từng bước hình thành ý thức không dám tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, Đại hội XIII chủ trương “xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”. Thiết nghĩ, dù là tham nhũng ở mức độ nào thì cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển xã hội; các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, do đó cũng cần được đấu tranh, bài trừ.
Hơn nữa, để cán bộ không dám tham nhũng, Đại hội XIII rất coi trọng công tác xây dựng bộ máy nhà nước, nhất là các cơ quan phòng chống tham nhũng các cấp, với chủ trương: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng... Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí”.
Bốn là, để “không cần tham nhũng”: Xét đến cùng, để hạn chế và khắc phục tình trạng tham nhũng thì cùng với các biện pháp trên, cần thực hiện tốt việc trả thù lao và đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức có thể sống được từ tiền lương và có tích lũy từ tiền lương. Do vậy, để cán bộ, công chức, viên chức không cần tham nhũng, Đại hội XIII chủ trương: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác”.
Như vậy, trên cơ sở xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt của then chốt ở nước ta hiện nay, Đại hội XIII đã đưa ra các giải pháp chung thể hiện quyết tâm chính trị kiên quyết, kiên trì trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cùng với các giải pháp cụ thể để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng.
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị lý luận, thực tiễn vô cùng quan trọng, sâu sắc. Trong nội dung sách, Tổng Bí thư nói về nhiều vấn đề cốt lõi của chống tham nhũng như: Bản chất, biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực; Vì sao phải kiên định, kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì phải làm gì và làm như thế nào? Chúng ta đã làm được gì và sắp tới phải làm như thế nào? Đồng chí Tổng Bí thư đã lý giải một cách khoa học, nêu những vấn đề căn bản của cuộc đấu tranh cam go này, làm cho độc giả, dù người đó là ai, làm gì, ở vị trí khác nhau đều rút ra cho mình những nhận thức mới, những kiến thức mới, thậm chí còn làm thay đổi cả nhận thức, quan điểm mà nếu trước đây mình nhận thức chưa đúng. Giáo trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng cơ bản từ gốc như: không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng.
Đây thật sự không chỉ là một cuốn sách, mà xem như một giáo trình nên đưa vào chương trình giảng dạy từ giáo dục phổ thông đến bậc đại học và tất cả các khóa học chuyên đề xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức của của cán bộ từ khi còn ngồi ghế nhà trường, rồi vào bộ máy, chưa có chức quyền đến khi có quyền lực trong tay; làm cho cán bộ tự cảm thấy việc tham nhũng là một việc hết sức vô nghĩa, bản thân không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng. Ý thức về đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được thấm nhuần trong tư tưởng đạo đức của mỗi người.
Trên cơ sở nhận thức về tính tất yếu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, để đưa các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đại hội XIII vào cuộc sống, thiết nghĩ, cần đưa Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công tác giảng dạy của hệ thống giáo dục, tạo ý thức của mỗi người ngay từ khi hình thành nhận thức về chống giặc “nội xâm” - tham nhũng, tiêu cực./.
Hà Thanh Hiền - Trần Bửu Luân - Nguyễn Kiều Phương - Nguyễn Thị Thu Hiền