(CMO) Ngót nghét đã gần 200 năm, từ cái chòi nhỏ để hương khói thờ vua bên doi đất ven kênh xáng Bạch Ngưu ở Giao Khẩu, người Tân Phú đã cất công bao đời trùng tu, tôn tạo nay đã là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh - Ðền thờ Vua Hùng.
Đó là biểu tượng thiêng liêng thể hiện tấm lòng người Cà Mau luôn hướng về nguồn cội. Và ngày Giỗ tổ năm nay, người dân Tân Phú, Thới Bình nói riêng, Cà Mau nói chung càng tự hào hơn khi quê nhà đồng thời tổ chức lễ viếng, dâng hương đấng Quốc tổ Lạc Long Quân tại Ðất Mũi.
Ðền thờ Ðức Quốc tổ Lạc Long Quân tại xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. |
Theo quyền Chủ tịch UBND xã Tân Phú Lê Văn Quý, đã hơn 40 năm biết về ngày Giỗ tổ ở vùng đất Giao Khẩu, nay lại nhận được thư mời cùng tháp tùng dâng hương Quốc tổ ở xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển) trước khi diễn ra lễ Giỗ tổ 10/3, lòng vừa tự hào, lẫn lo lắng. “Tự hào vì Cà Mau có nơi để dâng hương đấng Quốc tổ. Lo vì công tác chuẩn bị ngày Giỗ tổ truyền thống ở địa phương mình đã đảm bảo chưa? Bởi công trình Ðền thờ Vua Hùng đang trong giai đoạn trùng tu, nâng cấp”, quyền Chủ tịch UBND xã Tân Phú Lê Văn Quý bày tỏ.
Nhớ lại cách nay đúng 10 năm, năm 2011, là mốc thời gian cán bộ và Nhân dân Tân Phú long trọng tổ chức lễ giỗ 10/3 và đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Kể từ ngày công nhận di tích, Nhân dân trong vùng càng đón nhiều lượt du khách ở mọi miền đất nước tề tựu về đền vào dịp Giỗ tổ. Ðể phát huy giá trị lịch sử văn hoá và hoàn thiện mỹ quan kiến trúc cho Ðền thờ Vua Hùng xứng tầm với di tích cấp tỉnh và đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hướng về ngày Giỗ tổ của Nhân dân, sau đó, UBND tỉnh Cà Mau đã chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Ðền thờ Vua Hùng. Công trình này tỉnh giao UBND huyện Thới Bình làm chủ đầu tư.
Nghi thức Giỗ tổ hàng năm ở Ðền thờ Vua Hùng. |
Từ ngôi đền tre lá vài chục mét vuông bên doi đất ven sông, sau hơn 150 năm đã phát triển thành khu Ðền thờ Vua Hùng hàng trăm mét vuông; và nay, khuôn viên chính thức của khu đền tổng diện tích lên đến hơn 2.000 m2. Ðó là chưa kể đến nhiều hạng mục công trình phụ tạo thành quần thể di tích Ðền thờ Vua Hùng với khoảng 9.000 m2.
Lễ hội Giỗ tổ năm nay được tổ chức 3 ngày, từ 19-21/4/2021 (nhằm mùng 8, mùng 9 và mùng 10/3 âm lịch). Phần hội gồm những hoạt động: Tổ chức giải thể thao với các môn thi đấu như bóng đá, bóng chuyền, trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Tân Phú và tại đền để phục vụ Nhân dân. Nội dung này diễn ra vào các ngày 19 và 20/4/2021.
Phần lễ được tổ chức trọng thể vào ngày mùng 10/3 âm lịch, với các phần nghi thức truyền thống: Lễ dâng kiệu vật phẩm, dâng lên các vật phẩm, sản vật đặc trưng của địa phương để tỏ lòng tri ân của Nhân dân Thới Bình với Quốc tổ Hùng Vương và các bậc tiền nhân; lễ dâng bánh dân gian (được lựa chọn tại ngày hội “Bánh dân gian Nam Bộ” năm 2021 với chủ đề: Sắc màu Ðất Phương Nam”). Và thực hành tiến hương, tiến tửu…
“Năm nay có điểm đặc biệt, lãnh đạo tỉnh, huyện dâng hương từ Ðền thờ Lạc Long Quân (Ðức Quốc tổ) của huyện Ngọc Hiển lên cho các Vua Hùng tại Ðền thờ Vua Hùng, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú. UBND huyện quan tâm chỉ đạo đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự; đảm bảo an toàn thực phẩm; đặc biệt là các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19”, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Minh Nhân thông tin.
Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Minh Nhân cho biết: Dự án tu bổ, chỉnh trang, nâng cấp Ðền thờ Vua Hùng tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình có tổng thời gian thi công theo hợp đồng là 360 ngày (khởi công ngày 11/12/2020, hoàn thành ngày 11/12/2021). Ðến nay, tiến độ thi công đạt 42% khối lượng. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đạt 41%. Dự án thi công đúng theo tiến độ, đảm bảo hoàn thành sớm so với hợp đồng. |
Phong Phú