(CMO) Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) ngoài nước tỉnh Cà Mau năm 2023, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Đoàn tham gia Hội chợ quốc tế Thuỷ sản Toàn cầu (Seafood Expo Global) tại Barcelona, Tây Ban Nha; kết hợp nghiên cứu thị trường, làm việc với các đối tác tại Cộng hòa Séc và Liên bang Đức. Đoàn công tác tỉnh Cà Mau do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi làm Trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Ngày 28/4 và 2/5, tỉnh Cà Mau đã tổ chức 2 buổi giới thiệu sản phẩm đặc sản, OCOP của địa phương tại Trung tâm Thương mại Sapa ở Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc và Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.
Đây là hai trung tâm thương mại lớn, quy tụ nhiều chuỗi phân phối, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu sản phẩm Việt Nam và châu Á vào thị trường châu Âu. Trong đó, Trung tâm Thương mại Sapa, Praha là đầu mối nhập khẩu sản phẩm châu Á và Việt Nam để phân phối cho toàn bộ thị trường châu Âu.
Các sản phẩm đặc sản Cà Mau được mang đi giới thiệu tại Đức và Cộng hòa Séc.
Sự kiện tại Trung tâm Thương mại Sapa có sự tham dự của ông Thái Xuân Dũng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cùng các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, phân phối sản phẩm châu Á và Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi (bên trái) tặng quà lưu niệm đến Đại sứ Thái Xuân Dũng nhân dịp đoàn công tác tỉnh Cà Mau sang làm việc.
Tại đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đã giới thiệu sơ lược về vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của tỉnh Cà Mau, bày tỏ mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm, đầu mối, thị trường phân phối sản phẩm ở châu Âu, đặc biệt là bà con Việt Kiều sinh sống tại châu Âu, để Cà Mau có thể kết nối cung cấp sản vật từ hệ sinh thái địa phương đến với thị trường châu Âu và thế giới.
Ngoài ra, mong muốn các nhà nhập khẩu hỗ trợ tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau hoàn thiện sản phẩm, có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn Đại sứ Đại sứ Thái Xuân Dũng ủng hộ Cà Mau, hướng dẫn, tạo điều kiện để sản phẩm đặc sản Cà Mau sớm được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc nói riêng và châu Âu nói chung.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi giới thiệu về địa phương và sản phẩm Cà Mau.
Trong chuyến XTTM lần này, tỉnh mang theo một số sản phẩm OCOP, đặc sản tiêu biểu, trong đó có một số sản phẩm vừa được công nhận OCOP 4 sao, có lợi thế cạnh tranh và khả năng xuất khẩu như: chả tôm, tôm rang, tôm khô, tôm chà bông từ Cơ sở Ngọc Giàu; các loại bánh phồng: tôm, hàu, cua, rau củ từ Công ty Vĩnh Hòa Phát, Công ty TNHH Con tôm, HTX Tân Phát Lợi, HTX Hồng Hoa; trà thảo dược Hùng Khánh; tương ớt, tương cà, muối tôm từ Công ty Landvifood; mắm ruốc xào từ HTX Nông Thịnh Phát…
Đại sứ Thái Xuân Dũng đánh giá, hoạt động XTTM của tỉnh Cà Mau tổ chức vào thời điểm này là rất phù hợp trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đang sụt giảm trong Quý I do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Chính phủ và Bộ Công thương đang rất quan tâm đến các biện pháp đẩy mạnh XTTM ngoài nước.
Rất ủng hộ tỉnh Cà Mau, Đại sứ Thái Xuân Dũng đề nghị đoàn công tác của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại Cộng hòa Séc trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp giữa hai bên để hướng đến hợp tác đưa sản phẩm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung lên các kệ hàng siêu thị lớn ở châu Âu.
Đại sứ đồng thời lưu ý, để làm được điều đó thì vấn đề tiên quyết phải chú trọng là chất lượng vệ sinh thực phẩm và giá cả phù hợp.
Đại sứ Thái Xuân Dũng lưu ý về vấn đề chất lượng vệ sinh thực phẩm và giá cả phù hợp.
Các nhà nhập khẩu nhận định, đây là cách làm XTTM khác với các cách làm truyền thống từ trước đến nay và cũng phù hợp với chiến lược chung của nhà nhập khẩu trong việc đa dạng hóa sản phẩm phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh từ sự khác biệt, mong muốn kết nối và phân phối sản phẩm Cà Mau nói riêng, Việt Nam nói chung đến với khách hàng bản địa chứ không chỉ cộng đồng người Việt.
Nhà nhập khẩu và phân phối tại Đức và Cộng hòa Séc đánh giá cao chất lượng sản phẩm Cà Mau, sản phẩm có hương vị thơm ngon, đặc sắc, bao bì bắt mắt, hầu hết sản phẩm được đánh giá có khả năng tốt gia nhập thị trường, đặc biệt là các mặt hàng: bánh phồng, tôm rang, chà bông tôm, trà thảo dược, tương ớt,…
Ngoài ra, nhà nhập khẩu cũng góp ý về thời hạn sử dụng, mẫu mã, bao bì, cách ghi hạn sử dụng, cách thiết kế hình ảnh bao bì sao cho phù hợp với quy định của thị trường châu Âu, trong đó đặc biệt lưu ý đến vấn đề thời hạn bảo quản sản phẩm (đối với sản phẩm xuất khẩu, thời hạn bảo quản tối thiểu từ 2 năm trở lên), bao bì kèm theo tiếng Anh, ghi đầy đủ, trung thực thành phần nguyên liệu, thành phần dinh dưỡng, thông tin nhà sản xuất,…
Đại diện doanh nghiệp nhập khẩu phát biểu ý kiến.
Cộng hòa Séc và Cộng hòa Liên bang Đức là 2 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU). EU và Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và có hiệu lực từ năm 2020, trong những năm vừa qua, Cà Mau chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thủy sản đông lạnh sang Đức và Cộng hòa Séc nhưng kim ngạch chưa cao so với tiềm năng của thị trường.
Hy vọng trong thời gian tới, với các nỗ lực XTTM từ phía tỉnh cũng như sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở hai nước và cộng đồng doanh nhân Việt kiều, kim ngạch xuất khẩu từ Cà Mau sang thị trường châu Âu sẽ ngày càng tăng trưởng./.
Xuân Anh