Đề thi THPT quốc gia năm 2015 đánh giá thí sinh (TS) ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dung cao, đảm bảo phân hoá trình độ TS. Trong đó, 4 môn: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý sẽ thi dưới hình thức tự luận. Hội đồng chuyên môn cấp trung học tỉnh Cà Mau đã có những tư vấn góp phần định hướng ôn tập, giúp TS làm tốt các môn thi này.
Đề thi THPT quốc gia năm 2015 đánh giá thí sinh (TS) ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dung cao, đảm bảo phân hoá trình độ TS. Trong đó, 4 môn: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý sẽ thi dưới hình thức tự luận. Hội đồng chuyên môn cấp trung học tỉnh Cà Mau đã có những tư vấn góp phần định hướng ôn tập, giúp TS làm tốt các môn thi này.
Giờ ôn luyện tích cực của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Mai, huyện Cái Nước. |
* Cô Thái Thị Ngọc Bích, Phó Trưởng Phòng GDTrH&GDTX, Sở GD&ÐT, Trưởng Hội đồng chuyên môn môn Ngữ văn cấp trung học tỉnh: “Hãy đọc kỹ đề và hướng dẫn chấm để tìm ra cách học thông minh”
Ðể ôn tập tốt, giáo viên và học sinh (HS) nên tìm hiểu thật kỹ đáp án (hướng dẫn chấm) và phải thấy hướng dẫn chấm chi tiết hơn theo kiểu PISA. Cụ thể là hướng dẫn chấm đề thi minh hoạ không chấm như trước mà chấm chi tiết hơn. Chẳng hạn, phần đọc hiểu chỉ 3,0 điểm nhưng có 8 câu, nhiều câu chỉ 0,25 điểm nhưng yêu cầu rất cao.
Ðề đưa ra 2 văn bản: Văn bản nhật dụng và văn bản văn học. Lưu ý, cả 2 văn bản đều khá lạ với HS. Vì thế, HS phải thật sự vận dụng kỹ năng đọc để hiểu văn bản. Ðể làm tốt, HS phải có năng lực tiếp nhận văn bản: đọc, xác định nội dung chính thông qua từ khoá, câu chủ đề; xác định thông tin quan trọng, ý nghĩa.
Phải hiểu từ ngữ, cú pháp, chấm câu, hình thức biểu tượng, ký hiệu ngôn ngữ… Giáo viên nên hướng HS tới cảm xúc, cảm tưởng sau đọc hiểu văn bản để vận dụng tạo lập văn bản thể hiện quan điểm riêng của bản thân trong phần nâng cao, đó là viết đoạn văn từ 5-7 dòng nêu suy nghĩ về vấn đề đặt ra trong văn bản.
Phần làm văn (7,0 điểm), chú ý hướng dẫn chấm có yêu cầu cao về tính liên kết, biết dẫn dắt hợp lý và quy định theo những vấn đề cụ thể. Bài làm cần có đủ mở bài - thân bài - kết luận.
Ở dạng nghị luận về 2 ý kiến (cùng 1 bài thơ, 1 truyện ngắn, 1 nhân vật hoặc 2 nhân vật), HS phải có phần quan trọng nhất của thân bài là bước giải thích ý kiến, bước phân tích nội dung và nghệ thuật để sáng tỏ ý kiến, bước bình luận ý kiến, bước đánh giá ý nghĩa vấn đề cần nghị luận.
Trước yêu cầu đổi mới về đánh giá năng lực, HS không nên chỉ chăm chú vào giải các đề thi sẵn có với hy vọng trúng tủ.
* Thạc sĩ Toán học Lê Hữu Ðức, giáo viên Toán, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển: “Ðọc kỹ đề và xác định các câu hỏi “sở trường” để làm”
Là kỳ thi “hai chung” nên đề thi sẽ được phân từ dễ đến khó, thường câu khó rơi vào kiến thức lớp 10, 11. Do vậy, các TS cần đọc qua 1 lần các câu hỏi trong đề, nhận biết và tìm các câu dễ, câu “sở trường”, có khả năng làm được để làm trước. Theo 4 mức độ đề ra, TS, đặc biệt là TS học lực trung bình, yếu nên tập trung các phần như: khảo sát hàm số, phương trình mũ hoặc logarit, tích phân, hình học giải tích trong không gian hay phương trình lượng giác... vì đây là kiến thức lớp 12, mới được học. Trong quá trình ôn luyện từ nay đến ngày thi, các em nên để ý các dạng câu hỏi làm thuần thục được để có thể đạt điểm xét tốt nghiệp.
Ðối với HS mong muốn đạt từ điểm 7 đến trên 8, cần tập trung tổng hợp kiến thức của 3 năm THPT. Ngoài việc tập giải nhiều đề, để tích luỹ nhiều kinh nghiệm, năng lực giải, các em nên tự tạo lập những nhóm ôn luyện mà mỗi em có một thế mạnh của câu trong bài giải để cùng giải đề, chỉ dẫn nhau tiến bộ. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng cho các nhóm có bạn đứng đầu môn học.
Ðối với các dạng toán có bước làm cụ thể, TS cần thực hiện đầy đủ các bước, tính toán cẩn thận. Nên chú ý, cách chấm điểm cho đáp án là theo ý, không theo câu.
Ngay từ cấp THCS, HS đã có tâm lý “sợ” thi phần hình học, do một số em hỏng kiến thức nền. Phần thi này 3,0 điểm, với 3 phần: hình học giải tích trong mặt phẳng, hình học giải tích trong không gian, hình học không gian thuần tuý. Ðược đánh giá là câu khó, xu hướng TS bỏ các câu này. Với lượng kiến thức nhiều, TS phải định hướng ôn và kế hoạch ôn luyện tốt. TS cần nhận biết, câu ở mức độ dễ là hình học giải tích trong không gian, cần bình tĩnh vận dụng kiến thức làm được câu này.
* Thầy Hoàng Văn Sum, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, Trưởng Hội đồng chuyên môn môn Lịch sử cấp trung học tỉnh: “Vận dụng tốt 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao”
HS muốn nắm và nhớ được các sự kiện lịch sử, yêu cầu cơ bản phải hiểu được các sự kiện lịch sử. Tuyệt đối không học vẹt.
Trong quá trình ôn tập, giáo viên phải giúp HS xác định được nội dung chủ yếu nhất của phần lịch sử thế giới và phần lịch sử Việt Nam trong chương trình ôn thi THPT quốc gia. Trên cơ sở hướng dẫn HS nắm được những kiến thức cơ bản trọng tâm của từng bài, từng chương và từng giai đoạn lịch sử. Nếu ở ý đầu của đề thi, HS không thể xác định được, thì ý tiếp theo không giải quyết.
Chú ý phương pháp giảng dạy ôn tập, giáo viên cần tăng cường nêu câu hỏi gợi mở, đàm thoại với HS, tạo điều kiện cho học sinh phát biểu chính kiến của mình đối với vấn đề đặt ra. HS cần rèn luyện những kỹ năng thường nằm trong các đề thi: kỹ năng phân tích khái quát cả dòng lịch sử, giải thích được các sự kiện đó, đánh giá các sự kiện. Hiểu và xác định những sự kiện lịch sử nào là tiêu biểu, hoặc tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử. Ví dụ: “Sự kiện nào đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của tổ chức ASEAN? Giải thích tại sao là sự kiện đó?”.
Có thể sử dụng sơ đồ hoá kiến thức trong quá trình ôn tập để giúp HS nắm được các sự kiện lịch sử một cách hệ thống, logic, chính xác. Nên mạnh dạn loại bỏ và không yêu cầu HS phải nhớ nhiều ngày, tháng, năm và những số liệu cụ thể. Tập trung chủ yếu khái quát sự kiện, rút ra đặc điểm, đánh giá, nhận xét, so sánh. Nhưng yêu cầu HS phải nhớ những sự kiện lớn và trọng đại.
Trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, tổ chức thi thử, giáo viên phải chú ý 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Chẳng hạn: “Nêu các nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945”, thực ra nó mang tính chất nhận biết, thông hiểu. Hỏi thêm ý 2, vừa thông hiểu, vừa vận dụng thấp: “Trong các nguyên nhân đó, nguyên nhân nào quan trọng nhất, tại sao?”. Vận dụng cao: “Quyền dân tộc cơ bản của Nhân dân Việt nam được ghi nhận như thế nào trong Hiệp định Genèva, Hiệp định Paris? Trong tình hình mới hiện nay, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ vững chắc các quyền dân tộc cơ bản đó?”. Ðòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức đã học, vừa phải vận dụng tình hình thực tế hiện nay của nước ta, của khu vực và cả thế giới.
* Thầy Võ Thanh Liêm, chuyên viên Phòng GDTrH&GDTX, Sở GD&ÐT, Trưởng Hội đồng chuyên môn môn Ðịa lý cấp trung học tỉnh: “Khai thác tốt Atlat để đạt điểm cao”
TS cần nhận dạng được đề thi: dạng trình bày hay chứng minh, biểu đồ tròn hay biểu đồ miền, số liệu đã được xử lý hay số liệu thô...
Phác thảo đề cương cho từng câu hỏi nhằm giúp việc phân bố thời gian cho từng câu hỏi hợp lý, chính xác, tránh tình trạng thiếu sót nội dung các câu hỏi trong quá trình làm bài. Bên cạnh, TS nên phân bố thời gian đều và phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài và tiêu chí nên căn cứ vào số điểm của câu hỏi. Nên dành khoảng thời gian từ 15-20 phút để phác thảo dàn ý, từ 10-15 phút cho việc kiểm tra đọc lại bài.
Khi làm bài, chú ý phần dễ làm trước, nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, logic. Với những số liệu thống kê dùng để minh hoạ cho bài làm được lấy từ SGK, hoặc những số liệu đã được cập nhật từ bên ngoài, TS cần nói rõ nguồn gốc và thời điểm của chúng. Khi vẽ biểu đồ, chú ý ghi tên biểu đồ, bảng chú giải và đặc biệt phải có sự tương thích giữa ký hiệu trong bảng chú giải với những ký hiệu đã dùng trong biểu đồ.
Những lợi thế về chữ viết, cách diễn đạt luôn được giám khảo chú ý. Hạn chế viết tắt quá nhiều, lỗi chính tả, câu văn lủng củng, trình bày lan man. Bài thi có thể trình bày ở dạng: mở bài, thân bài và kết luận, hoặc dùng trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nhưng cần rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc và dễ hiểu.
Cấu trúc đề thi năm nay về cơ bản không thay đổi so với năm trước. Vì vậy, nên bám sát SGK và một số tài liệu tham khảo ôn tập nhất định, không đọc quá nhiều tài liệu, không học tủ vì các câu hỏi thường liên quan với nhau.
Một cách rất hữu ích cho TS là khi học đến bài nào, nên quan sát trong Atlat liên quan tới bài đó. Cách này vừa giúp nhớ bài tốt, vừa biết cách đọc Atlat. TS nào có khả năng đọc Atlat tốt đều có thể đạt điểm cao. Vì kỹ năng khai thác Atlat giúp đọc, mô tả được các đặc điểm của hiện tượng địa lý. Nên nghiên cứu để hiểu nội dung Atlat, nắm chắc ký hiệu, ước hiệu bản đồ, xác định được phạm vi các lãnh thổ./.
Băng Thanh lược ghi