(CMO) Thời gian qua, công tác theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh không ngừng được quan tâm. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc được kịp thời trao đổi, tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, một số dự án không triển khai theo tiến độ đăng ký thuộc diện theo dõi, đề xuất thực hiện thủ tục thu hồi dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 383 dự án (ngoài khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 120.800 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án FDI, vốn đăng ký 70.549.767 USD (tương đương trên 1.620 tỷ đồng). Riêng 7 tháng năm 2022, tỉnh đã thu hút được 6 dự án (ngoài KKT, KCN), với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2021, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 13 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Điểm du lịch hồ Vân Thuỷ (Phường 5, TP Cà Mau) nằm trong danh mục các dự án triển khai thực hiện theo tiến độ đăng ký. |
Nhiều dự án còn chậm tiến độ
“Các dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã thực hiện hoàn thành đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng thu ngân sách, tạo được nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương”, ông Trịnh Thanh Sang, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau, đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư, hiện nay một số dự án cũng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ, trễ tiến độ đã đăng ký; một số dự án không triển khai thực hiện phải thực hiện thủ tục thu hồi theo quy định.
Ông Trịnh Thanh Sang cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: khó khăn trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý đất đai, đánh giá tác động môi trường, thủ tục chuyển đổi đất rừng và vấn đề giao khu vực biển cho nhà đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Trong đó, đối với các dự án mời gọi đầu tư trọng điểm, mang tính đột phá phát triển kinh tế của tỉnh, như Dự án Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, quy mô khoảng 2.100 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng (thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), hiện chưa có quy hoạch chung xây dựng được duyệt. Khu du lịch đa phần diện tích trên đất rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và rừng phòng hộ Đất Mũi, nhưng chưa có các phương án quản lý rừng bền vững và đề án phát triển du lịch của các chủ rừng được duyệt.
Hay Dự án “Khu đô thị mới, sinh thái, nghỉ dưỡng và thể dục thể thao Cà Mau”, với tổng diện tích dự kiến khoảng 880 ha, thuộc Phường 8 và xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) chưa thông qua quy hoạch.
Riêng đối với dự án đầu tư được phân công theo dõi chỉ đạo tại Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 10/2/2022 của UBND tỉnh, có 12 dự án đang triển khai thực hiện theo tiến độ đã đăng ký; 6 dự án đang triển khai cần đôn đốc tiến độ và 7 dự án theo dõi, xử lý thu hồi.
Kiểm tra, đôn đốc, tránh lãng phí
Ông Trịnh Thanh Sang cho biết thêm: “Thời gian qua, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đã tích cực, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư, thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan. Sở đã thành lập nhóm Zalo để hỗ trợ nhà đầu tư. Qua đó, thông tin kịp thời những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan có liên quan để kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Phân công chuyên viên phụ trách địa bàn để trao đổi hướng dẫn về thực hiện thủ tục đầu tư dự án".
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đã xây dựng hoàn thành phần mềm Quản lý dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Sở đang tiến hành rà soát, cấp mật khẩu cho các đơn vị sử dụng, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất trên phần mềm này.
Năm 2022, Cà Mau dự kiến mời gọi đầu tư 23 dự án (ngoài các dự án do nhà đầu tư tự tìm hiểu, nghiên cứu đề xuất), các cơ quan chuyên môn và các địa phương đang chuẩn bị hoàn thiện thông tin và các điều kiện cần thiết để công bố. Trong đó, có 18 dự án đã phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, 5 dự án chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 (phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành).
Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về triển khai dự án đầu tư, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa chỉ đạo, đối với danh mục các dự án đang triển khai cần đôn đốc tiến độ, giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương được phân công theo dõi dự án, chủ động trao đổi, làm việc với nhà đầu tư, đôn đốc tiến độ triển khai các thủ tục, hạng mục đầu tư xây dựng của dự án theo đúng tiến độ đã đăng ký. Trường hợp, những vấn đề vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết.
Với danh mục các dự án đang theo dõi, xử lý thu hồi, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra hiện trạng các dự án. Qua đó rà soát trình tự, thủ tục, cơ sở pháp lý để thu hồi các dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Các dự án đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và các hạng mục đầu tư xây dựng, đang triển khai sản xuất - kinh doanh, vận hành dự án thì tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, vận hành của các dự án, đối chiếu với mục tiêu đăng ký của dự án để đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng mục tiêu đã đăng ký của dự án, tránh lãng phí tài nguyên đã giao cho chủ đầu tư sử dụng. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện theo đúng mục tiêu đã đăng ký của dự án, tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định./.
Phi Long