(CMO) Tự tin, bản lĩnh, nhiệt huyết là những gì cảm nhận được khi tiếp xúc với chị Lê Kiều Phương, nhà sáng lập thương hiệu cũng như chủ cơ sở, chủ thể của 3 sản phẩm OCOP vừa được hội đồng đánh giá và “gắn” hạng 4 sao cho cả 3 sản phẩm.
Đứng trước hội đồng thẩm định cấp tỉnh, hàng chục chủ thể của nhiều mặt hàng OCOP đem ra xem xét chấm điểm để cấp sao, chị Kiều Phương rất tâm huyết khi nói về 3 “đứa con tinh thần” của mình; 3 sản phẩm ấy vừa vượt qua 30 sản phẩm còn lại để được xếp hạng 4 sao, hướng đi dài hơi giành 5 sao trong năm 2021 và những năm tiếp sau.
Chuẩn hoá, hoàn thiện cho sự chuyên nghiệp
Chị Kiều Phương là người trẻ có nhiều nỗ lực trong việc tìm sao “gắn” cho sản phẩm OCOP. |
Còn nhớ, tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2020 vào trung tuần tháng 12 vừa qua, khi hội đồng muốn nghe doanh nghiệp, chủ thể có sản phẩm được đưa ra đánh giá, phân hạng giải trình, thuyết phục hội đồng vì sao sản phẩm mình xứng đáng để gắn hạng cũng như xếp loại với số điểm cao hơn; khi ấy, cả hội trường ấn tượng với sự tự tin của nữ chủ thể 8X, đại diện Công ty TNHH SX-TM-XD Phúc Thịnh (Phường 7, TP Cà Mau), chủ cơ sở bánh phồng tôm Bảo Ngân (Khóm 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) - người sáng lập ra thương hiệu bánh phồng tôm NaCaMa với 3 sản phẩm được “gắn” hạng 4 sao.
Đại diện Công ty TNHH SX-TM-XD Phúc Thịnh Lê Kiều Phương trần tình: "Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh là việc làm rất cần thiết, bởi lẽ đây sẽ là cơ hội tốt để các chủ thể chuẩn hoá, hoàn thiện sản phẩm của mình cho sự chuyên nghiệp và phát triển bền vững trong thời gian tới. Công ty đã nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với thế mạnh kinh tế tỉnh nhà là con tôm. Cụ thể, thời gian qua công ty đã mang sản phẩm đi xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy đã xây dựng được kênh phân phối tại TP Cần Thơ, chúng tôi tự hào khi sản phẩm bánh phồng tôm NaCaMa đầu tiên được đưa vào hệ thống siêu thị VinMart để bán cho người tiêu dùng".
Nhiều ấp ủ cho một thương hiệu
Ba sản phẩm chủ lực đã được “gắn” 4 sao của NaCaMa. |
Cà Mau có nhiều sản vật phong phú nên chị Lê Kiều Phương có ý định khởi nghiệp từ chính sản vật quê hương. Công tác trong lĩnh vực du lịch, chị Phương có cơ hội để đi nhiều nơi, tiếp cận với nhiều sản phẩm đặc sản của các vùng, miền. Qua tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, chị Kiều Phương nhận thấy Cà Mau có các sản phẩm gắn liền với tiềm năng trù phú nhưng chưa tạo dấu ấn riêng trên thị trường. Ấp ủ ý tưởng gần 4 năm và đến năm 2019, chị Kiều Phương bắt đầu xây dựng thương hiệu bánh phồng tôm NaCaMa (với ý nghĩa Năm Căn - Cà Mau); khi ấy Năm Căn có nhiều tổ hợp tác cũng như hợp tác xã chuyên làm bánh phồng tôm nhưng chưa có thương hiệu.
Đến bây giờ, như chia sẻ, bánh phồng tôm NaCaMa vẫn giữ được nét truyền thống của mình: Tráng bánh thủ công vì như thế sẽ giữ lại hương vị cho bánh, bên cạnh đó là hệ thống sấy lạnh với ưu điểm giữ được giá trị dinh dưỡng cho bánh phồng tôm. Nhờ vậy, hiện nay cơ sở có trên 10 dòng sản phẩm với 6 sản phẩm chủ lực và đã có 3 sản phẩm được “gắn” 4 sao. Hàng tháng, riêng 3 sản phẩm này, đơn hàng có thể dao động từ 3-5 tấn, thị trường phân phối chủ yếu là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Đặc biệt, từ khi có "sao", đơn hàng của 3 sản phẩm chủ lực không ngừng tăng lên, nhất là vào cao điểm Tết Nguyên đán cận kề; 20 lao động thường xuyên của cơ sở phải hoạt động hết công suất để kịp lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường. Cơ sở cũng đang sở hữu một nhà sấy (phương pháp sấy lạnh) với công suất 1 tấn bánh/ngày. Đầu tư được phòng đóng gói cũng như thiết bị đóng gói tự động, mẫu mã thiết kế bao bì không ngừng thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Điều quan trọng là, cơ sở tiên phong trong việc nói không với phụ gia và chất bảo quản.
Quy trình sản xuất của cơ sở kết hợp được sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm giữ giá trị dinh dưỡng cao cho bánh. |
Chị Lê Kiều Phương chia sẻ: "Nguyên liệu để làm ra sản phẩm đều là tôm tươi, được thu mua từ các hàng đáy ở xã Hàng Vịnh cũng như trong hộ dân nuôi tôm quảng canh truyền thống ở Năm Căn và các vùng lân cận. Chính vì thế đã góp phần gia tăng giá trị nguyên liệu cho địa phương".
Chị Lê Kiều Phương có rất nhiều tham vọng, nếu được hỗ trợ kịp thời từ ngành chức năng chị sẽ hướng đến đầu tư xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hướng đến xây dựng sản phẩm không chỉ của địa phương mà là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hướng xa hơn, chị Kiều Phương muốn sản phẩm của mình được “chứng nhận Halal” của người tiêu dùng Hồi giáo, vì thị trường thực phẩm dành cho người Hồi giáo luôn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, bởi lẽ thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo, với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Trong quá trình khởi nghiệp, chị Lê Kiều Phương luôn chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc xúc tiến thương mại. Đơn cử như, khi tham gia Tuần lễ Nông sản an toàn thực phẩm 2020 tại TP Cần Thơ do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ NN&PTNT tổ chức, sản phẩm NaCaMa xuất sắc giành giải Ba. Đây là động lực to lớn cho NaCaMa trong quá trình phát triển đã qua cũng như tương lai gần./.
Với phương châm vừa tuyên truyền, vận động, vừa “cầm tay chỉ việc”, theo đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn chủ thể hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm (hướng dẫn các hợp đồng mua bán, xây dựng kế hoạch kinh doanh, thiết kế mẫu mã bao bì, nhãn mác, các hoạt động bảo vệ môi trường, phân tích mẩu sản phẩm, công bố chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...). Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục liên quan để nộp hồ sơ tham gia phân hạng cấp huyện. Sau nhiều nỗ lực từ nhiều “nhà”, năm nay Cà Mau có 33 sản phẩm của 22 chủ thể được hội đồng đánh giá, phân hạng. |
Phú Hữu