Thời gian gần đây, mọi người vẫn thường nói về một thế hệ trẻ “cúi đầu”. Cúi đầu là bởi vì đa số giới trẻ ngày nay chỉ biết tập trung cúi đầu vào các thứ đồ công nghệ cao, dần quên đi việc giao tiếp và hoà nhã cùng mọi người xung quanh bằng cách lắng nghe và chia sẻ…
Thời gian gần đây, mọi người vẫn thường nói về một thế hệ trẻ “cúi đầu”. Cúi đầu là bởi vì đa số giới trẻ ngày nay chỉ biết tập trung cúi đầu vào các thứ đồ công nghệ cao, dần quên đi việc giao tiếp và hoà nhã cùng mọi người xung quanh bằng cách lắng nghe và chia sẻ…
Các bạn trẻ dường như khép kín và xa cách nhau hơn cũng bởi sự phát triển của công nghệ hiện đại. Ngoài thời gian học hay vui chơi cùng bạn bè, các bạn chỉ tập trung vào chiếc điện thoại hay máy tính, ít dành thời gian trò chuyện cùng gia đình. Hay trong các buổi gặp gỡ bạn bè cũng chỉ quẩn quanh việc chụp ảnh đưa lên mạng xã hội rồi nhìn xem có bao nhiêu người “like” ảnh của mình, họ bình luận gì…
Hoạt động xã hội là một trong những biểu hiện của việc biết lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng. |
Các bạn bận rộn với những trang tin giật gân trên mạng nhưng lại không có thời gian để nhìn và cảm nhận những chuyện thường ngày xảy ra xung quanh cuộc sống của mình, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội. Trò chuyện cùng anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ quán cà phê Chuông Gió và cũng là người ấp ủ rất nhiều tâm tư về hành trình đi tìm giá trị cuộc sống của con người.
Từng tốt nghiệp Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhưng anh đã từ bỏ công việc của mình để tìm đến với niềm đam mê khác. Vài năm gần đây, anh bắt đầu mở những lớp học về “Giá trị cuộc sống” cho những người xung quanh mình. Các lớp học đó thường có các chuyên đề như giáo dục kỹ năng cho trẻ, những chuyên đề dành cho cha mẹ làm thế nào để hiểu các con hơn, giáo dục con như thế nào, hoặc những buổi trò chuyện để khám phá bản thân, lắng nghe và thấu hiểu. Những lớp học có đầy đủ mọi lứa tuổi và mọi thành phần tham gia.
Anh Sơn chia sẻ: “Mỗi người đều muốn nghe những thứ mình thích và hợp với bản thân mình nên thường có những phản kháng nhất định khi người khác nói đến những thứ mình không thích dù đó có là sự thật, là cái đúng. Bởi thế, khi giao tiếp hay trong một mối quan hệ, chúng ta phải biết lắng nghe đối phương để hiểu họ muốn gì, phải hiểu rằng ngoài bản thân mình thì cũng nên nghe người khác. Từ đó mà dung hoà mọi thứ và có nhiều trải nghiệm tốt đẹp. Riêng bản thân tôi đã mở những cuộc giao lưu nhỏ để giúp mỗi người tham gia khám phá được bản thân mình, đi tìm những giá trị đích thực của cuộc sống. Sau những buổi trò chuyện, cùng nhau quây quần để nghe về cuộc đời của mỗi người, hầu hết những người tham gia đều biết được bản thân mình cần gì, muốn gì, chấp nhận bản thân và chấp nhận mọi người xung quanh, biết cách lắng nghe và chia sẻ, biết cách hoà mình vào xã hội. Sống chậm lại, nhìn mọi thứ bằng cái tâm chân chính”.
Và tại sao lại nói là “lắng nghe” chứ không phải chỉ đơn thuần là “nghe”, bởi lắng nghe ở đây không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng mắt, bằng trí tuệ và nghe bằng cả trái tim. Lắng nghe để cuộc trò chuyện giữa người với người trở nên dễ dàng hơn, công việc cũng trở nên hiệu quả hơn. Như chị Lê Ngọc Bích và anh Võ Quốc Ðoàn là hai trong số rất nhiều người tham gia những khoá học của anh Sơn, họ cũng có những trải lòng về chính mình. Trước kia, với họ cuộc sống chỉ là hằng ngày sáng đi làm tối lại về, sống như một cỗ máy để sao cho nhanh hết ngày, nhưng sau khi tham gia những khoá học, họ thấy cuộc sống còn nhiều điều khác ý nghĩa hơn, có ước mơ, hoài bão và xác định được mục đích sống rõ ràng hơn.
Giới trẻ hiện nay, ngoài một số ít bạn trẻ có thái độ sống tích cực, đa phần các bạn trẻ đều chạy theo xu hướng của thời đại, Tây hoá theo hướng tiêu cực. Chỉ chú trọng đầu tư cho bề ngoài mà không đầu tư cho cái dài hạn chính là học thức và giá trị của bản thân. Và tham gia các hoạt động xã hội cũng là một biểu hiện của việc biết lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng, xã hội. Nhưng một số bạn tham gia chỉ mang tính phong trào chứ chưa thật sự hiểu hết những giá trị của việc mình làm hay cũng không giữ được cái tâm lâu bền với hoạt động ấy. Sống dễ dãi với bản thân mình và tính chia sẻ với cộng đồng rất thấp.
Tuy nhiên, không thể đòi hỏi ở các bạn quá nhiều mà phải tạo điều kiện để các bạn hiểu, biết về những điều xung quanh mình. Cà Mau chúng ta ngoài việc thiếu sân chơi cho lứa tuổi thanh - thiếu niên thì những chương trình giáo dục kỹ năng sống, những chương trình liên quan đến đời sống văn hoá cho các bạn cũng rất hạn chế. Nên có những lớp học hay những buổi trò chuyện để định hướng, giáo dục các bạn biết như thế nào là lắng nghe và chia sẻ. Phụ huynh cũng nên giành thời gian cho con em mình để lắng nghe và góp phần vào việc đưa thế hệ trẻ thoát khỏi tình trạng “cúi đầu”.
Lắng nghe cũng là bỏ chiếc điện thoại xuống, nhìn vào mắt người đối diện khi ngồi cùng nhau, lắng nghe là dành thời gian trò chuyện cùng ông bà, cha mẹ để hiểu họ hơn, lắng nghe để thấy những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình, để thấy được bản thân mình may mắn và góp chút sức nhỏ của mình cứu lấy cuộc sống của họ. Và lắng nghe là cách để con người gần nhau hơn./.
Bài và ảnh: Vân Anh