(CMO) Do nhu cầu cuộc sống, hàng hoá, dịch vụ phục vụ mục đích tiêu dùng, sinh hoạt trên thị trường rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh hàng hoá chất lượng vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm bẩn tràn lan; hoạt động kinh doanh, mua sắm trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro... Do đó, để trở thành người tiêu dùng (NTD) thông thái, NTD phải biết mình có những quyền gì.
Ông Nguyễn Việt Trung, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, cho biết: "Những năm qua, các cơ quan, ban, ngành và tổ chức Hội Bảo vệ quyền lợi NTD các cấp trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền, riêng năm 2022, thông qua hệ thống báo, đài truyền thanh, truyền hình và hình thức xe cổ động về bề rộng, ước tính tuyên truyền cho trên 1 triệu lượt người; đồng thời, tuyên truyền chiều sâu được 470 cuộc, với 30.239 lượt người. Tuy nhiên, do đối tượng NTD rất đông đảo nên việc tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người nắm được là việc rất khó, đòi hỏi phải có thời gian dài, kiên trì với nhiều giải pháp hơn nữa thì mới hy vọng đông đảo NTD nắm được các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình".
Ðời sống người dân ngày càng nâng cao, để đáp ứng nhu cầu mua sắm thì trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều cửa hàng tiện lợi ra đời, với sản phẩm hàng hoá, thực phẩm bày bán có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thuận tiện trong việc mua sắm, các cửa hàng này được nhiều NTD ưu tiên lựa chọn mua hàng.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi. |
Thường xuyên mua sắm tại cửa hàng tiện lợi, bà Lê Thị Tùng, Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, chia sẻ: “Ðến cửa hàng tiện lợi mua sắm, tôi yên tâm hơn, vì ở đây thường bán hàng chất lượng. Trước khi mua sản phẩm tôi đều xem qua hạn sử dụng, thành phần sản phẩm đảm bảo chất lượng rồi mới quyết định mua hay không”.
Bên cạnh các cửa hàng tiện lợi, nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm dần có mặt tại thị trường TP Cà Mau cũng như các huyện, các sản phẩm được niêm yết giá bán rõ ràng, nhân viên tư vấn nhiệt tình.
Ông Nguyễn Việt Trung nhận định, hiện nay ý thức của người dân và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hoá đã được nâng lên. Nhưng thực tế, theo số liệu phát hiện vi phạm qua kiểm tra, thanh tra của các ngành chức năng cho thấy, quyền lợi của NTD vẫn chưa được đảm bảo, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD vẫn còn xảy ra, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa (do thiếu thông tin, chưa nắm bắt các quy định, dễ bị mua phải hàng hoá kém chất lượng, giá cả không phù hợp,...).
Ðặc biệt, hiện nay, hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển. Theo ông Nguyễn Việt Trung, hình thức mua sắm này tuy thuận tiện nhưng đòi hỏi NTD phải chủ động tìm hiểu và từng bước áp dụng thành thạo hơn. Phương tiện phổ biến hiện nay là mua bán thông qua trang website và thông quan điện thoại, với rất nhiều ứng dụng (app) rất phong phú, đa dạng.
Trong mua sắm trực tuyến, NTD cần tìm hiểu rõ các điều khoản phụ thường không được bên bán kê rõ trong lời giới thiệu chào hàng (như: mức độ cho khui kiểm hàng như thế nào mới thanh toán; trường hợp nào không đồng ý mua; chi phí ship hàng trả lại như thế nào; thái độ của người giao hàng; điều kiện bảo hành; hoá đơn, chứng từ mua bán kèm theo...). "Ðiều này rất cần thiết và phù hợp trong năm Hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. An toàn ở đây không chỉ về sức khoẻ NTD mà còn an toàn khi mua sắm trực tuyến trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay", ông Nguyễn Việt Trung chia sẻ./.
Phúc Duy