(CMO) Ngày 8/5/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 740/QÐ-UBND ban hành Ðề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Ðề án 740). Ðề án đi vào cuộc sống đã nhận được sự quan tâm của người lao động, các doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động (XKLÐ) trong và ngoài tỉnh. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động địa phương có nhu cầu đi XKLÐ, từ đó đạt mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Đề án 740 là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho nguồn lao động của tỉnh, đặc biệt là lực lượng thanh niên, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Tỉnh tiết kiệm được chi phí đầu tư liên quan đến công tác giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, mở rộng ngoại giao, thắt chặt mối quan hệ hợp tác trong thời kỳ hội nhập. Qua đó, người lao động được nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp, hình thành nên đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao. Sau khi về nước, đây là lực lượng nòng cốt, là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, với số tiền tích luỹ được trong thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động không chỉ xoá được nghèo, vượt qua khó khăn hiện tại mà còn có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác trong tương lai”, ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở LÐ,TB&XH, nhấn mạnh.
Lao động Cà Mau nghe hướng dẫn trước khi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cung cấp) |
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Theo nội dung của Ðề án, người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ 24 tháng trở lên, có tham gia XKLÐ và học xong giáo dục định hướng, ngoại ngữ, đã xin được Visa, khi có lịch bay sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ ban đầu theo chứng từ thực tế trong thời gian học, với mức hỗ trợ tối đa không quá 13,8 triệu đồng/người.
Chị Bùi Thanh Ðầy, quê huyện Thới Bình, chia sẻ: “Sau khi được người quen giới thiệu về chương trình XKLÐ, tôi đã liên hệ với Trung tâm Giới thiệu việc làm để được hướng dẫn. Tôi thi đậu từ năm 2018 và được công ty chọn hồ sơ, học định hướng năm 2020, nhưng do thời điểm dịch Covid-19 phức tạp nên tôi chỉ mới sang Hàn Quốc lao động được hơn 3 tháng. Thời gian đầu khá khó khăn khi bắt đầu công việc, nhưng may mắn có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm cùng công ty, tôi được mọi người hướng dẫn, công việc cũng dễ dàng hơn”.
Chị Ðầy thông tin, chỗ ở, dịch vụ, sinh hoạt ở Hàn Quốc khá tốt. Thời gian làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần và có cả xe công ty đến đưa rước về ký túc xá. Chị Ðầy được tư vấn kỹ trước khi xuất cảnh, giúp chị có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn để có thể phụ giúp cho gia đình, người thân và là cơ hội có thể học tập nhiều điều mới trong khoảng thời gian hợp đồng.
Hiện tại, việc gửi tiền về gia đình rất dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng khi có nhiều App của ngân hàng Hàn Quốc có thể chuyển khoản trực tiếp về tài khoản nhiều ngân hàng khác nhau ở Việt Nam. Mỗi tháng chị Ðầy nhận mức lương khoảng 40 triệu đồng, trừ phí sinh hoạt thì có thể gửi về cho gia đình khoảng 20-30 triệu đồng để đỡ đần chi phí trước khi sang Hàn Quốc.
Một chính sách nữa góp phần tạo nên thành công của đề án là chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn. Chị Hồng Thảo Trang, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 100% và được hỗ trợ thêm 13,8 triệu đồng dành cho người đi XKLÐ. Hiện tại, chị Trang đang làm công việc kiểm tra linh kiện ô tô của Xí nghiệp Fukuju, Nhật Bản.
Chị Hồng Thảo Trang chia sẻ: “Lúc đầu tôi tự tìm hiểu trên mạng Internet và ra Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đăng ký. Nhờ chính sách cho vay ưu đãi, tôi có thêm chi phí để sang Nhật Bản. Qua đây gần 3 tháng thấy điều kiện sống rất tốt, công ty cũng gần chỗ thuê nhà, chỉ mất có 5 phút là đến, nhà ở thì rất tiện nghi và công việc không vất vả lắm. Mong muốn lớn nhất của tôi là có nguồn thu nhập ổn định gửi về giúp đỡ cho gia đình. Ðồng thời, sau khi hoàn thành thời hạn hợp đồng, bản thân có thể tiết kiệm một số vốn để về Việt Nam thực hiện điều mình muốn”.
Theo thống kê, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018-2020 và năm 2021 là 764 lao động, trong đó có 178 lao động vay vốn với tổng số tiền 14 tỷ 140 triệu đồng (số vay vốn là đối tượng chính sách có 15 lao động với tổng số tiền 963 triệu đồng). Thực hiện chính sách hỗ trợ ban đầu theo Nghị quyết số 21/2019/NQ-HÐND, ngày 6/12/2019 của HÐND tỉnh có 176 lao động được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Kỳ vọng giai đoạn mới
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động lên toàn cầu nên công tác XKLÐ giai đoạn 2018-2020 không đạt theo chỉ tiêu Ðề án (667/1.000 lao động, đạt 66,7%). Thế nhưng, Ðề án giúp nhiều gia đình người lao động có thu nhập ổn định. Theo thống kê từ Sở LÐ-TB&XH, sau khi kết thúc hợp đồng lao động về nước, hoàn lại vốn vay tại ngân hàng thì người lao động vẫn còn tích luỹ được từ 650-850 triệu đồng/người/3 năm, mang về nguồn ngoại tệ cho tỉnh sau khi quy đổi hơn 500 tỷ đồng, ngoài việc góp phần thực hiện mục tiêu về kinh tế còn thực hiện nhiều mục tiêu xã hội khác.
Lễ xuất cảnh của thực tập sinh Cà Mau đi làm việc tại Nhật Bản. ((Ảnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cung cấp)
Xuất phát từ hiệu quả đó, tỉnh tiếp tục ban hành Ðề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022-2025, với chỉ tiêu cơ bản là phấn đấu đưa 1.900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổng dự toán kinh phí thực hiện Ðề án gần 237 tỷ đồng và tổng số ngoại tệ dự kiến mang về tỉnh được quy đổi hơn 1.117 tỷ đồng.
Ông Từ Hoàng Ân cho biết: “Trên cơ sở kết quả đạt được, dự báo tình hình và thị trường lao động trong thời gian tới, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Ðề án giai đoạn 2022-2025 có những điểm mới như: bố trí nguồn lực, đầu mối liên kết các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo chặt chẽ; kết nối, khai thác hiệu quả thông tin thị trường lao động; có trách nhiệm quản lý lao động trong quá trình học tập, giáo dục định hướng ban đầu trước khi xuất cảnh; phối hợp bảo hộ công dân trong quá trình làm việc ở nước ngoài; có giải pháp việc làm sau khi lao động hết hạn hợp động về nước. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo thiết thực, hiệu quả”.
Bên cạnh đó, theo ông Ân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần chú trọng đào tạo cho người lao động đầy đủ những kỹ năng về tay nghề, ngôn ngữ và kỷ luật trong lao động, nhằm nâng cao ý thức của người lao động, chấp hành nghiêm luật pháp nước sở tại, nơi người lao động đến làm việc. Ðồng thời, cần huy động tối đa nguồn vốn các chính sách, dự án hỗ trợ cho lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thực hiện lồng ghép, phân loại đối tượng lao động thuộc diện hưởng chính sách nhằm tiết kiệm nguồn kinh phí, tăng chỉ tiêu thực hiện Ðề án. Gắn trách nhiệm giữa cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, gia đình và lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp đề phòng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, trục lợi tổ chức, cá nhân trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.
Hưng Thái