(CMO) Năm 2022 là năm ngành thuế chịu khá nhiều áp lực bởi sự tác động của tình hình kinh tế thị trường, sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Thế nhưng, sự nỗ lực của ngành thuế, đặc biệt là sự phối hợp của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, địa phương đã tạo đà quan trọng cho ngành thuế bứt phá cán mốc 5.000 tỷ đồng và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, vui mừng: “Năm 2022 là năm khó khăn nhưng cũng là năm ngành thuế đạt nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Trong đó, ngoài số thu ngân sách vượt dự toán với hơn 5.000 tỷ đồng, ngành thuế còn triển khai thành công hoá đơn điện tử, chương trình "Hoá đơn may mắn". Kết nối vận hành thành công thủ tục hành chính về đất đai trên hệ thống phần mềm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai… góp phần quan trọng vào công tác quản lý thuế của ngành”.
Kết quả trên đến từ sự “cộng hưởng”, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa cơ quan thuế với các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành về công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn trong năm qua. Trong đó, ngành thuế đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-BTC, ngày 12/11/2021, của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dip tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tăng cường trách nhiệm phối hợp trong công tác chỉ đạo rà soát nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Kinh tế tăng trưởng tạo đà cho nguồn thu ngân sách năm 2023. |
Ðồng thời, quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn việc trốn thuế, nợ đọng thuế, đảm bảo thực hiện hoàn thành dự toán thu NSNN trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Chi cục Thuế khu vực tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế chấp hành tốt các chính sách pháp luật về thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức làm việc với Chi cục Thuế khu vực, kịp thời nắm bắt tiến độ thu ngân sách nhằm chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn. Duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu, thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế, kiểm tra hàng hoá lưu thông trên thị trường, quản lý thu chặt chẽ cá nhân kinh doanh và người nộp thuế kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng, thương mại, kinh doanh xăng dầu, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản...
Ông Trần Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực IV, cho biết: “Ðược sự chỉ đạo của Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực đã phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn rà soát, điều chỉnh doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện lập bộ, công khai doanh thu, mức thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh thu theo phương pháp khoán theo đúng quy định. Nhờ vậy, đơn vị đã hoàn thành sớm chỉ tiêu dự toán được giao”.
Một điểm nổi bật nữa của ngành thuế trong năm 2022 đó chính là triển khai thành công hoá đơn điện tử, chương trình "Hoá đơn may mắn". Ngành thuế đã xác định, công tác triển khai hoá đơn điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng phải hoàn thành của ngành trong năm 2022. Việc triển khai thành công hoá đơn điện tử góp phần giúp tỉnh Cà Mau chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường. Ðồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp tổ chức thành công chương trình “Hoá đơn may mắn” trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ðặc biệt, tham gia công cuộc chuyển đổi số, ngành thuế đã kết nối vận hành thành công thủ tục hành chính về đất đai trên hệ thống phần mềm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Với phần mềm này, Cục Thuế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành cơ sở dữ liệu địa chính trên phần mềm VNPT iLIS đối với các huyện Ðầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Phú Tân, U Minh và TP Cà Mau.
Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Bé cho biết: “Năm 2023, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ thuế. Phấn đấu hoàn thành đạt và vượt dự toán pháp lệnh Bộ Tài chính giao là 4.721 tỷ đồng, phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán Tổng cục Thuế giao”.
Riêng trong công tác phối hợp, ông Nguyễn Văn Bé cho biết sẽ bám sát kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách của tỉnh và các huyện, TP Cà Mau. Kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát toàn bộ các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã có quyết định trúng đấu giá để đôn đốc các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân nộp kịp thời tiền sử dụng đất vào NSNN. Ðặc biệt là tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện triển khai ngay công tác tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất các dự án theo kế hoạch đề ra, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất, thuê đất trong năm 2023.
Tiếp tục tham mưu UBND các cấp củng cố, duy trì Ban Chỉ đạo và Ðội Liên ngành chống thất thu ngân sách, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát hoá đơn, chứng từ mua bán hàng hoá dịch vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát 100% hồ sơ khai thuế, tập trung khai thác thông tin, xác minh đối chiếu từng trường hợp doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; tập trung khai thác tốt nguồn thu còn tiềm năng như: thuế phát sinh từ các doanh nghiệp trong Cụm Khí - Ðiện - Ðạm, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực điện gió và điện mặt trời, thu tiền sử dụng đất của các dự án, thuế nhà thầu xây dựng cơ bản vãng lai, thuế bảo vệ môi trường...
Hồng Nhung