(CMO) Năm học 2017-2018 đã bắt đầu, các chính sách đối với học sinh, sinh viên như: Nghị định 116/2016/NĐ-CP về việc hỗ trợ gạo và Nghị định 86/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng là học sinh nghèo, vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn… lại được nhắc đến. Bởi từ khi bắt tay vào thực hiện (ngày 1/12/2015, thời điểm Nghị định 86/2015/NĐ-CP có hiệu lực), đến nay vẫn còn một số địa phương chưa triển khai việc chi hỗ trợ. Việc làm này vừa gây lãng phí nguồn kinh phí hỗ trợ, vừa thiệt thòi cho hàng ngàn học sinh thuộc diện thụ hưởng.
Bài 1: Có hay không sự tắc trách?
Theo Công văn số 2367/STC-QLNS, ngày 15/8/2017 của Sở Tài chính (theo đề nghị của Báo Cà Mau, tại Công văn số 47-CV/BCM ngày 10/8/2017), đến ngày 15/8, toàn tỉnh còn 4 địa phương vướng mắc trong việc chi hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn của năm học 2016-2017. Trong đó, huyện Thới Bình và Ngọc Hiển không thực hiện, huyện Năm Căn và Cái Nước đã kịp thời khắc phục việc trích ngân sách dự phòng để chi. Trong khi các đơn vị còn lại trong tỉnh (gồm các huyện, thành phố và Sở GD&ĐT) có nhu cầu kinh phí trên 12 tỷ đồng (kinh phí này Sở Tài chính đã bổ sung đủ theo nhu cầu).
Những lý giải phi lý
Lý giải vấn đề chưa thực hiện chính sách này đến đối tượng thụ hưởng, tại Công văn số 504/PGD&ĐT, ngày 24/8/2017 của Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển do ông Đỗ Thanh Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục ký, nêu nguyên nhân, Nghị định 86/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ năm học 2015-2016, nhưng Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện chưa triển khai đến các cơ sở giáo dục vì chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Mãi đến ngày 13/1/2017, Phòng GD&ĐT huyện mới nhận được Công văn số 111/SGD ngày 13/1/2017 của Sở GD&ĐT hướng dẫn, từ đó triển khai đến các trường trực thuộc và tổng hợp nhu cầu kinh phí gởi đến Sở Tài chính.
Học sinh trường Tiểu học Hàm Rồng, huyện Năm Căn vào năm học mới. Ảnh: Phong Phú. |
Cùng lý giải về sự chậm trễ trong triển khai thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP trên địa bàn huyện Thới Bình, ngày 29/8/2017, tại Công văn số 382/BC-UBND của UBND huyện Thới Bình, do ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện ký, đã xác nhận: “Ngày 14/9/2016, Sở GD&ĐT ban hành Công văn số 2665/SGDĐT-KHTC chỉ đạo trực tiếp Trưởng Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ học tập cho học, sinh sinh viên nghèo (hướng dẫn tại Thông tư 09). Tuy nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT không triển khai các văn bản trên đến các điểm trường trực thuộc để thực hiện, dẫn đến không hỗ trợ kinh phí thời gian qua”.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự khẳng định: “Các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP của sở đối với các đơn vị trực thuộc và các phòng giáo dục đều được chuyển tải qua hệ thống mạng VIC. Sở đã kiểm tra, đảm bảo các văn bản (trong đó có Công văn số 2665/SGDĐT-KHTC ngày 14/9/2016 do ông Lê Hoàng Dự ký - PV) đã đến các nơi gởi”.
Học sinh trường Tiểu học Tân Hưng, huyện Cái Nước phấn khởi khi nhận quà và học bổng do Báo Cà Mau vận động tài trợ. Ảnh: Yến Nhi |
Theo các quy định, hướng dẫn và phân cấp quản lý hành chính Nhà nước, UBND các huyện phải có trách nhiệm triển khai, đôn đốc các ngành trực thuộc (Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện, sau đó báo cáo UBND huyện. Chủ tịch UBND huyện sau khi xem xét sẽ ra quyết định phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng và chuyển Sở Tài chính tổng hợp. Sở Tài chính sẽ tham mưu và trình Bộ Tài chính (vì kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 86 do Bộ Tài chính phân bổ).
Có chăng sự tắc trách?
Quy trình là vậy, nhưng đã qua vẫn còn 2 huyện chưa thực hiện mà không có bất cứ sự đôn đốc, nhắc nhở nào từ phía cơ quan chủ quản cho đến khi sự việc được phát hiện.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó giám đốc Sở Tài chính, xác nhận: “Vì đây là nghị định cần có sự phối hợp liên ngành. Trong khi triển khai thực hiện, khâu kiểm tra, đôn đốc chưa được đảm bảo chặt chẽ”.
Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Trong quá trình xác minh thông tin thực hiện việc chi hỗ trợ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Cà Mau tìm được rất nhiều văn bản nguồn để hướng dẫn từ các bộ, Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và các công văn của UBND tỉnh như: ngày 22/2/2016, 3 bộ Tài chính, GD&ĐT, LĐ-TB&XH có Thông tư liên tịch số 09; ngày 22/4/2016, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Công văn số 2502/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, gởi đến Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Công văn giao Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện thông tư nêu trên, khi văn bản có hiệu lực thi hành.
Ngày 29/4/2016, Sở GD&ĐT có Công văn số 1370/SGDĐT-KHTC về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH gởi Sở Tài chính và Sở LĐ-TB&XH.
Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau có Công văn số 6099/UBND-KGVX ngày 9/9/2016; Sở GD&ĐT có Công văn số 2665/SGDĐT-KHTC, ngày 14/9/2016 gởi trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; thủ trưởng đơn vị trường học thuộc sở về việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo.
Đến ngày 8/12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10/2016/NQ-HĐND về mức thu học phí đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh (là cơ sở để địa phương thực hiện chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP).
Với khoảng thời gian và các văn bản chỉ đạo như trên, trong khi cả tỉnh đều thực hiện, nhưng 2 huyện Thới Bình và Ngọc Hiển vẫn không triển khai thực hiện, trái lại còn nêu ra những nguyên nhân rất khó có thể chấp nhận.
Việc này đã gây ra thiệt thòi cho hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên trong diện thụ hưởng theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP (ước lượng theo số hộ nghèo của các huyện trong thời gian trên - PV).
Bài 2: Cần xử lý kiên quyết
Phong Phú
Khi được hỏi việc ách tắc này thuộc về trách nhiệm của ai và hướng xử lý ra sao? Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Đoàn Quốc Khởi khẳng định: “Trách nhiệm không thuộc về Sở Tài chính mà thuộc về UBND các địa phương”. Còn về phía Sở GD&ĐT, Phó giám đốc Lê Hoàng Dự cho rằng: “Sở không có chức năng kiểm tra tiến độ thực hiện ở các phòng giáo dục vì phân cấp quản lý Nhà nước”. |