(CMO) Thực hiện Ðề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, Sở Tư pháp phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới tại 3 đơn vị: Phường 9, TP Cà Mau; thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi và xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình.
Theo đó, các “Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt” kiện toàn, củng cố hoạt động theo các tiêu chí: chủ động phát hiện vụ việc, tiếp nhận và đưa ra hoà giải 100% vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành đạt từ 85% vụ việc trở lên; phối hợp tốt với ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hoà giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hoà giải ở cơ sở; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng cho hoà giải viên; được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở kịp thời, đúng quy định của pháp luật; định kỳ giao ban 6 tháng, hàng năm trao đổi kinh nghiệm hoà giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hoà giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hoà giải ở cơ sở theo đúng quy định.
Ông Trần Kiện Toàn (bìa trái), thành viên Tổ hoà giải Khóm 3, Phường 9, TP Cà Mau, nay đã tuổi 90 vẫn miệt mài với công tác hoà giải. Ảnh: KIM CƯƠNG
Từ mô hình thí điểm, hiện toàn tỉnh có 21 “Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt”, với 146 hoà giải viên. 6 tháng đầu năm nay, các tổ nhận 16 đơn, hoà giải thành 14 đơn, đạt 87% (tăng 8,5% so với cùng kỳ). Qua hoà giải, các bên đã thực hiện xong theo biên bản hoà giải thành và hoàn trả cho nhau số tiền 28,5 triệu đồng, 650 m2 đất; cùng với đó, hoà giải thành một số vụ việc về cặm ranh đất, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân, thành viên trong gia đình...
Thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, có 5 tổ hoà giải/5 khóm, với 35 hoà giải viên. Năm 2021, các tổ đều được công nhận “Tổ hoà giải cơ sở 5 tốt”. Các tổ hoà giải được cơ cấu thành viên gồm trưởng khóm, trưởng ban công tác Mặt trận, các đoàn thể, công an khu vực. Anh Hứa Chí Linh, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng Khóm 1, Tổ trưởng Tổ hoà giải, cho biết: “Khóm có hơn 700 hộ dân, mâu thuẫn chủ yếu là tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, xúc phạm danh dự người khác… Ðể tỷ lệ hoà giải thành công đạt cao, chúng tôi phân công các thành viên phối hợp với 12 tổ văn hoá, nắm bắt tình hình dân cư theo tuyến, để khi có xích mích xảy ra thì kịp thời hoà giải. Các thành viên đa phần là đảng viên, quan điểm chính trị vững vàng, hàng năm đều được tập huấn, cập nhật kiến thức mới nên kỹ năng tuyên truyền, xử lý các tình huống thấu tình đạt lý”.
Anh Hứa Chí Linh đúc rút, muốn hoà giải đạt hiệu quả, cùng với vững vàng kiến thức về luật, đòi hỏi phải gần dân, nắm bắt tâm lý, tình hình trong dân, làm sao để dân tin tưởng thì khi thuyết phục dân mới nghe. Anh Linh kể, tổ vừa hoà giải thành vụ việc tranh chấp đất đai của hộ ông P.V.Ð và bà P.T.T. Do việc đo đạc sang bán trước đây tính từ mí lộ vô, tuy nhiên theo thời gian lộ mở rộng, bà T đo theo mí lộ mới và cho rằng ông Ð lấn phần đất phía sau nhà mình, nên sinh cãi vã. Các thành viên trong tổ có mặt kịp thời, mời ông Ð, bà T về trụ sở và giải thích tường tận, từ đó hai bên bắt tay làm hoà.
Thành viên của Tổ hoà giải Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm để công tác hoà giải đạt hiệu quả cao.
Thực hiện mô hình này, Phường 9, TP Cà Mau, đã kiện toàn 6 “Tổ hoà giải cơ sở 5 tốt” cho 6 khóm, với 41 hoà giải viên, trong đó phát huy vai trò của cán bộ hưu trí, người uy tín, người cao tuổi… Ông Trần Kiện Toàn, thành viên Tổ hoà giải Khóm 3, nay đã 90 tuổi vẫn miệt mài với công tác hoà giải. Ông bộc bạch: "Mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, giữa cá nhân với nhau là điều không thể tránh khỏi ở cộng đồng dân cư, nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to”, gây mất đoàn kết trong Nhân dân".
Năm 2021, toàn tỉnh có 15/21 tổ được công nhận “Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt”. Bà Phạm Thị Ngọc, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, sở sẽ phối hợp với Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiểm tra các địa phương thực hiện mô hình để có cơ sở tổ chức tổng kết vào cuối năm nay. Ðồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ hoà giải, hoà giải viên, cá nhân, tổ chức đóng góp tích cực, hiệu quả trong thực hiện thí điểm “Tổ hoà giải ở cơ sở 5 tốt” gắn với xây dựng nông thôn mới./.
Mộng Thường