(CMO) Mùa mưa đã bắt đầu, thế nhưng vẫn chưa thể giảm bớt nỗi lo hoả hoạn khi nguy cơ luôn tiềm ẩn và sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Sự phát triển của công nghệ hiện nay, hầu hết các thiết bị sinh hoạt trong hộ gia đình đều có liên quan đến điện, gas, trong khi phần đông người dân chưa ý thức tốt việc phòng ngừa cháy nổ. Bên cạnh đó, không ít gia đình kết hợp nơi ở với sản xuất kinh doanh… Vì vậy, nguy cơ cháy nổ ở khu dân cư rất cao", Trung tá Bùi Vũ Khắc, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh Cà Mau, lo ngại.
Thực trạng khu dân cư
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 132 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ; Trong đó, 45 khu nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, đây là những con số thống kê được, trong thực tế tình trạng người dân tự “quy hoạch” đất nông nghiệp, đất vườn… và mua bán nền nhà hình thức sang tay đang diễn ra khá phổ biến.
Dù biết rằng việc mua bán đất tại các hẻm tự mở thiếu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện, nước và xây dựng nhà là vi phạm quy định pháp luật, nhưng hiện nay trên địa bàn TP Cà Mau có đến trên 13.400 m hẻm tự phát với hơn 1 ngàn căn nhà xây dựng trái phép, trong đó có khoảng 950 nhà đã được lắp đặt đồng hồ điện.
Lộ giao thông khu dân cư nông thôn nhỏ hẹp, nhà ở thường là vật liệu dễ cháy mà điện sinh hoạt được truyền tải cẩu thả. |
“Thời gian qua, một số địa phương đã buông lỏng công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, dẫn đến tình trạng hẻm tự phát xuất hiện ở nhiều nơi. Việc này, thành phố đã kiểm tra và xử lý trách nhiệm nhiều lãnh đạo xã, phường, nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại bởi nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân”, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Lý Khánh Ly cho biết.
Bên cạnh việc hẻm tự phát không đảm bảo đường giao thông, TP Cà Mau hiện có không ít các tuyến hẻm nhỏ, hẹp, dẫu rằng từ năm 2012 TP Cà Mau đã triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng tại các khu dân cư thu nhập thấp (theo Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL, gọi tắt là LIA). Đến nay trên địa bàn thành phố đã mở rộng gần 220 tuyến lộ hẻm với chiều dài gần 52 ngàn mét. Thế nhưng, tình trạng hẻm chồng hẻm, nhà ở san sát nhau và hậu liền hậu vẫn hiện hữu ở nhiều khu dân cư.
Mặt khác, hầu hết các tuyến lộ hẻm khi đã được mở rộng theo Dự án LIA thì cơ sở kinh doanh sản xuất tại gia đình, nhà trọ cho thuê tháng… cũng phát triển nhanh. Việc sử dụng nguyên vật liệu trong sản xuất, cất chứa hàng hoá dễ bắt lửa… lại tăng thêm nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ở khu dân cư, nơi có mật độ dân số đông, điều kiện phương tiện và hạ tầng chữa cháy thường không đảm bảo.
Phập phồng hoả hoạn
Theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Cảnh sát PCCC-CNCH chỉ thẩm duyệt an toàn PCCC đối với các khu dân cư mới được xây dựng. Trong khi sinh hoạt ở khu dân cư tự phát, khu dân cư hình thành từ lâu đời số lượng nhà đơn lẻ, nhà liền kề đang chiếm đa số loại hình nhà lưu trú, nhưng Luật Nhà ở thì không quy định các điều kiện và quy chuẩn về PCCC đối với xây dựng nhà dân riêng lẻ.
Điểm thu mua phế liệu cũng là nhà ở nằm trong khu dân cư, nguy cơ cháy nổ rất cao. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Công Trứ, Phường 8, TP Cà Mau). |
Thực trạng khu dân cư hiện nay nhà ở kết hợp làm nơi kinh doanh, sản xuất hàng hoá khá phổ biến, tự phát do yêu cầu của thị trường, không có quy hoạch và chưa có quy định thẩm duyệt về PCCC. Đặc trưng của nhà ở dân cư là liền hậu với nhau, không gian nhà chật hẹp do chứa hàng hoá, lối ra vào chỉ có một mà đa số không trang bị bình chữa cháy CO2; Thiết bị điện câu mắc tuỳ tiện, trong khi sự cố về điện là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ hoả hoạn. Tính trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ cháy thì có 35 vụ là do chập điện. Còn những tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy, mà nguyên nhân do sự cố về điện 13 vụ.
“Vấn đề là do nhận thức của người dân. Bởi ngành điện lực chỉ quản lý nguồn điện từ dây cái kéo vào cầu dao tổng và xử lý trường hợp câu mắc điện chia hơi. Còn việc tải điện sinh hoạt trong gia đình là hộ dân tự làm. Qua kiểm tra thực tế, hầu hết hệ thống đường điện, thiết bị bảo vệ điện trong hộ dân chưa được thiết kế hợp lý và thường không được bảo trì theo định kỳ, nên tình trạng quá tải dây điện khi gia đình cùng lúc sử dụng các thiết bị, dây điện sử dụng lâu ngày bị rò rỉ, bong tróc vỏ bọc… dễ dẫn đến chập dây và gây cháy”, Trung tá Bùi Vũ Khắc cho hay.
Nhà ở dân cư, điện sử dụng sinh hoạt chưa đảm bảo an toàn. |
Cháy nhà dân thường xảy ra vào ban đêm, được phát hiện khi lửa đã bùng phát, lối thoát duy nhất là cửa chính mà đang bị khoá chặt do đề phòng trộm cắp, lực lượng chữa cháy tại chỗ thiếu và yếu, phương tiện chữa cháy được trang bị nhiều năm nên hư hỏng, hoạt động không hiệu quả… trong khi bồn nước xe cứu hoả (loại xe lớn) chứa khoảng 4 m3 nước, nếu sử dụng 2 lăng để chữa cháy thì gần 2 phút là hết nước. Còn bồn nước loại xe nhỏ thì chứa khoảng 1 m3, chỉ phun chữa khoảng 30 giây là hết nước.
Mặt khác, khó khăn đặt ra cho công tác chữa cháy ở khu dân cư là hệ thống giao thông phức tạp, nhiều ngõ ngách, nhỏ hẹp… xe chữa cháy không vào được và thiếu nguồn nước chữa cháy. Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau đã lắp đặt gần 70 trụ nước chữa cháy, nhưng so với nhu cầu thực tế cung cấp nước chữa cháy đô thị vẫn chưa đáp ứng, trong khi nguồn nước ở các bến bãi chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, không ổn định về trữ lượng nước.
“Không chỉ lo ngại khu vực thành thị mà hiện tại tốc độ đô thị hoá vùng nông thôn khá nhanh. Theo đó, tình hình cháy nổ khu vực này cũng đang báo động. Những vụ cháy vào cuối năm 2018 hầu hết ở khu vực nông thôn, 16 vụ cháy những tháng đầu năm nay phần lớn cũng ở nông thôn, đáng chú ý là chỉ trong 3 ngày (cuối tháng 4 và đầu tháng 5), trên địa bàn huyện U Minh xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy. Và tính trong thời điểm thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, toàn tỉnh đã xảy ra 143 vụ cháy (làm chết 11 người, bị thương 9 người, tổng thiệt hại tài sản trên 57 tỷ đồng), địa bàn nông thôn chiếm 107 vụ”, Trung tá Trịnh Hoàng Nẵng, Đội trưởng Đội Tham mưu - Tổng hợp Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Cà Mau, thông tin./.
Mỹ Pha
Bài 2: Cháy chợ - nỗi lo thường trực