(CMO) Tiếp tục đẩy mạnh đô thị hoá, kinh tế phát triển nhanh, hoạt động kinh doanh, sản xuất sẽ làm gia tăng sử dụng nguyên vật liệu, hàng hoá dễ cháy, cũng như mức độ sử dụng điện, nguồn nhiệt… Dự báo tình hình cháy, nổ sẽ còn diễn biến rất phức tạp.
Thế nên, các cấp, các ngành cần tập trung đổi mới tuyên truyền, làm tốt công tác điều tra cơ bản, thống kê đầy đủ các cơ sở có nguy cơ tiềm ẩn cháy cao, phân loại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC để định hướng các giải pháp phòng ngừa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra đột xuất cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về an toàn PCCC đối với khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ… theo chuyên đề, chuyên ngành và có sự hậu kiểm để xử lý những nơi sau khi đã được kiểm tra, nhắc nhở.
Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”
Hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy CO2. |
Tuyên truyền kỹ năng sử dụng điện cho hộ kinh doanh trong nhà lồng chợ. |
Tổ chức tập huấn công tác chữa cháy và sơ tán tại các đơn vị kinh doanh. |
Cần đẩy mạnh phong trào toàn dân PCCC, xem đó là một bộ phận của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hơn hết, công tác tuyên truyền cần đa dạng hình thức, đề tài phong phú, phù hợp với người nghe và điều kiện từng lĩnh vực, khu vực để nâng cao ý thức trách nhiệm và chấp hành tốt pháp luật PCCC trong quần chúng Nhân dân.
Bên cạnh đó, lực lượng chữa cháy dân phòng, cơ sở… là nòng cốt trong công tác PCCC-CNCH nên cần được chú trọng củng cố và xây dựng mới, đảm bảo về số lượng và chất lượng, nhất là ở tuyến cơ sở, khu dân cư, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, thường xuyên và nâng cao chất lượng huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cũng như có chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng PCCC dân phòng.
“PCCC không là trách nhiệm riêng biệt của Phòng Cảnh PCCC-CNCH mà các cấp, các ngành cần phải nêu cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác PCCC, quan tâm đầu tư, nâng cấp thiết bị, phương tiện chữa cháy. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để, tăng tác dụng răn đe việc chấp hành pháp luật về PCCC ở một số đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC trong cộng đồng, xã hội”, Trung tá Trịnh Hoàng Nẵng, Đội trưởng Đội Tham mưu - Tổng hợp Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Cà Mau đề xuất.
Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy do sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất là rất cao. Vì vậy, ngành điện lực cần quyết liệt hơn việc chỉ đạo điện lực các huyện, TP Cà Mau thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về sử dụng điện. Qua đó, trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả cho người dân.
Hướng tới đô thị an toàn PCCC
Theo Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Lý Khánh Ly, thực hiện dự án nâng cấp đô thị, đã qua, ngoài việc nâng cấp mở rộng nhiều tuyến lộ hẻm, xây dựng khu tái định cư… vấn đề môi trường, chất lượng cuộc sống cho cư dân nghèo được cải thiện rõ rệt.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn và kêu gọi xã hội hoá để nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân kiến thức về điện cũng như kỹ năng lắp đặt và sử dụng các thiết bị điện an toàn, kiên quyết xử lý các điểm kinh doanh, mua bán kết hợp với nhà ở không đảm bảo an toàn PCCC, củng cố và nhân rộng mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC”, kết hợp với xây dựng mới lực lượng PCCC dân phòng.
Thành phố hiện có 26 điểm chợ, trong đó có 18 chợ thuộc khu vực thành thị và 8 chợ thuộc khu vực nông thôn. Hầu hết các chợ được xây dựng với quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng và các điều kiện vật chất kỹ thuật đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện kinh doanh.
Từng bước sắp xếp lại hoạt động của các điểm chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường và công tác PCCC. Đã qua, thành phố đã đầu tư hơn 19 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp chợ Phường 5, đầu tư xây dựng chợ Tắc Vân (diện tích 2.864 m2, bố trí 70 quầy sạp), chợ Phường 4 (diện tích 3.576 m2, bố trí 153 quầy sạp) theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu về PCCC. Hiện chợ Tắc Vân đã đưa vào sử dụng, chợ Phường 4 đã hoàn thành vào cuối năm 2018 đang tổ chức cho thuê mặt bằng, sắp xếp vị trí kinh doanh để sớm đưa vào sử dụng.
“Thành phố đang kêu gọi đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại (toạ lạc khu đất tiếp giáp giữa đường Lý Bôn, Bùi Thị Xuân, Lý Thái Tôn) với quy mô diện tích 8.341 m2. Khi trung tâm thương mại này được xây dựng hoàn thành thì các chợ Vưu Văn Tỷ, Nguyễn Hữu Lễ (địa bàn Phường 2), Lâm Thành Mậu (địa bàn Phường 4) sẽ được tập trung vào, trả lại những tuyến phố thông thoáng vốn có và giảm bớt nỗi lo hoả hoạn, nhất là chợ Vưu Văn Tỷ (nằm đan xen trong khu dân cư) lâu nay luôn là “địa chỉ đỏ” về cháy nổ”, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Lý Khánh Ly thông tin.
Cháy nổ là rủi ro ngoài ý muốn, nhưng rủi ro này sẽ không xảy ra và nếu có cũng sẽ được xử lý nhanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh và người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa cao độ sẽ góp phần kiềm chế sự gia tăng về cháy nổ, cũng như thiệt hại do hoả hoạn gây ra./.
Mỹ Pha