(CMO) “Số hoá những văn bản giấy, cố gắng đáp ứng những quy định nhãn tiền, những yêu cầu đặt ra bây giờ, đồng thời rà soát, sửa đổi để bổ sung cho tương lai” là ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Hội nghị Sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm 2023 của ngành tư pháp, vào sáng 20/7.
Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến. |
6 tháng đầu năm, toàn ngành tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý phù hợp...
Qua đó, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có một số lĩnh vực công tác có kết quả nổi bật, như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả...
Những kết quả đó tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu. Ông Võ Thanh Tòng, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan dự Hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. |
Hội nghị cũng đã nghe nhiều báo cáo về những thuận lợi cũng như khó khăn, những đề xuất kiến nghị của các địa phương trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Thành Long nhìn nhận, các địa phương xử lý công việc trong bối cảnh nhiều thách thức về thời gian, về chuyên môn, về quản lý, xử lý công việc. Bộ, ngành tư pháp từ Trung ương đến địa phương đã và đang cố gắng thực hiện chuyển đổi số với hình thức vừa chạy vừa xếp hàng. Qua đó, còn bộc lộ còn nhiều bất cập dẫn đến các sai phạm xảy ra.
“Trong thời gian tới, các địa phương bám sát chỉ đạo của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, của Bộ, ngành trong xây dựng các thể chế. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả hơn những công việc của Bộ và ngành. Thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật, các dự án của Bộ, ngành các địa phương cần tham gia đóng góp. Kiểm tra và tự kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các địa phương cần chủ động kiểm tra và đôn đốc trong việc tự kiểm tra. Cố gắng thực hiện tối đa theo yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đưa ra. Đặc biệt, phải thể hiện vai trò của người lãnh đạo trong chỉ đạo điều hành, dám đương đầu 50/50 của người lãnh đạo trong tình hình mới”, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh./.
Kim Cương