Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã công nhận phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi ở 9/9 huyện, thành phố và đang làm hồ sơ trình Bộ GD&ÐT công nhận.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã công nhận phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi ở 9/9 huyện, thành phố và đang làm hồ sơ trình Bộ GD&ÐT công nhận.
Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau Lê Thanh Liêm nói, để đạt được kết quả trên, ngành GD&ÐT tỉnh đã thực hiện đồng thời tất cả các giải pháp: tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức xã hội; hoàn thiện mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; phát triển đội ngũ quản lý và giáo viên mầm non, đặc biệt là nâng cao trình độ của giáo viên dạy lớp 5 tuổi.
Bữa ăn sáng của trẻ Trường Mầm non Hương Tràm, TP Cà Mau. Ảnh: BĂNG THANH |
Bên cạnh, ngành huy động các nguồn lực tài chính cho PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Song song đó, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, thực hiện tốt chính sách đối với trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, tăng tỷ lệ bán trú tại các cơ sở GDMN. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, phát huy vai trò của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng tham gia phát triển GDMN và cùng thực hiện nhiệm vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.
- Trong suốt quá trình thực hiện Ðề án PCGDMN trẻ 5 tuổi, ngành GD&ÐT gặp phải những thuận lợi, khó khăn nào, thưa ông?
Ông Lê Thanh Liêm: Các cấp lãnh đạo có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh công tác huy động trẻ đến trường và xây dựng thêm cơ sở vật chất trường lớp học, đào tạo mới, bồi dưỡng chuẩn cho giáo viên mầm non. Nhờ đó, trường lớp ngày càng khang trang, tạo niềm tin cho phụ huynh an tâm gửi trẻ. Ðội ngũ quản lý, giáo viên mầm non nhiệt tình, có tinh thần cầu tiến, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ nhận thức và hiểu biết về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân. Thêm nữa, phụ huynh nhiệt tình, phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Công tác xã hội hoá ngày càng được đẩy mạnh, tác động đến toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển cho ngành học.
Tuy nhiên, ngành cũng gặp không ít khó khăn trong công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi như: mạng lưới trường lớp mầm non còn phân tán, một số trường mầm non có diện tích hẹp, phòng học xây dựng chưa đúng quy cách, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của cấp học, còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị (đối với những lớp dưới 5 tuổi). Mặc dù tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường tăng nhưng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn thấp (tỷ lệ trẻ 4 tuổi 57,1%, tỷ lệ trẻ 3 tuổi 39,2%).
Do khó khăn về ngân sách, nhiều đơn vị thực hiện tuyển giáo viên mầm non vào biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Thu nhập của giáo viên mầm non hợp đồng lao động còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ giáo viên bỏ nghề. Giáo viên dạy lớp dưới 5 tuổi vẫn còn thiếu theo quy định.
- Xin ông cho biết, việc thực hiện tiến độ và giải pháp trong những năm tiếp theo?
Ông Lê Thanh Liêm: Hiện tỉnh có 9/9 huyện, thành phố, với 100/101 xã, thị trấn được công nhận đạt PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Trong đó, tổng số trường mầm non hiện nay là 131 trường (tăng 8 trường so với trước khi thực hiện đề án); tổng số nhóm lớp hiện có 1.268 lớp (tăng 62 lớp so với năm học 2011-2012); tổng số trẻ huy động đến cơ sở GDMN là 32.047 (tăng 1.552 trẻ so với năm học 2011-2012). Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chưa được Bộ GD&ÐT công nhận hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, do vậy, ngành sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hơn những giải pháp đã nêu trên để giữ vững kết quả đã đạt được.
- Xin cảm ơn ông!./.
Băng Thanh thực hiện