Trong phiên bế mạc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 22/8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về phiên chất vấn, trả lời chất vấn để làm căn cứ thực hiện.
- Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Nghị trường “nóng” nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Đại biểu điểm cầu tỉnh Cà Mau tham dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thông qua các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu đã thể hiện được trí tuệ, tâm huyết, vai trò, hình ảnh của người đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, góp phần vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Các thành viên Chính phủ thể hiện sự sâu sát, nắm chắc lĩnh vực phụ trách, trả lời chất vấn đúng trọng tâm, không né tránh, với tinh thần trách nhiệm cao.
“Với tinh thần đó, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa đòi hỏi, mong mỏi của đồng bào cử tri cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Bà Lê Thị Nhung, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch HĐND tỉnh và ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh.
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong buổi sáng 22/8, nghị trường tiếp tục dành thời gian cho các đại biểu chất vấn với nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Trả lời chất vấn đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật đã được chú trọng và siết chặt; quy trình soạn thảo, cho ý kiến được hoàn thiện và tổ chức thực hiện ngày càng nền nếp, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được quan tâm, đạt kết quả tích cực. Việc thi hành án hành chính tăng; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng cao.
Đối với lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã cơ bản hoàn thành. Đến hết năm 2021, 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020-2025 và kiện toàn tổ chức HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026.
Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 bước đầu đạt kết quả tích cực. Các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện sắp xếp đã được kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được hoàn thiện. Bộ máy, cán bộ làm công tác pháp chế được rà soát, củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh. Công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường. Công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng mạng viễn thông, công nghệ cao tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Đã hoàn thành việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác, góp phần cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực.
An ninh, trật tự và an toàn xã hội là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. (Ảnh: Lực lượng công an xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nắm tình hình địa bàn)
Trả lời chất vấn, các “tư lệnh ngành” phụ trách cho biết, lĩnh vực thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước. Hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ở lĩnh vực tòa án, chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được nâng cao. Việc xét xử các vụ án, ra các quyết định thi hành án hình sự, hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Tòa án đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc để quá thời hạn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được triển khai hiệu quả.
Với lĩnh vực kiểm sát, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là biện pháp tạm giữ, tạm giam cơ bản chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn, tỷ lệ bị can bị truy tố đúng tội danh, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 96/2019/QH14,…
Quốc Rin