Những năm qua, hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh Cà Mau từng bước ổn định và đi vào nền nếp. Song, hoạt động này vẫn có những bất cập như: xuất bản phẩm in sao lậu, vi phạm bản quyền, không rõ nguồn gốc xuất xứ… ảnh hưởng tiêu cực đến tính giáo dục thẩm mỹ, văn hoá xã hội.
Để tìm hiểu những quy định về Luật Xuất bản và việc triển khai thi hành Luật Xuất bản ở Cà Mau, phóng viên Báo Cà Mau gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau.
- Xin ông cho biết những quy định chung của pháp luật hiện hành đối với hoạt động xuất bản?
Ông Nguyễn Văn Đen: Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hoá, tư tưởng phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương. Đồng thời, phổ biến những hoạt động tích cực trong đời sống xã hội, giá trị văn hoá dân tộc… đáp ứng nhu cầu đọc của Nhân dân. Từ đó, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống gia đình, xã hội tốt đẹp.
Vì vậy, ngay từ trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam đã khẳng định công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước luôn có sự phát triển mới về tư duy lãnh đạo quản lý đối với xuất bản. Cụ thể là Luật Xuất bản số 22-L/CTN được Quốc hội khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 7/1993, Luật xuất bản số 30/2004/QH11 được Quốc hội khoá XI thông tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 12/2004 (thay thế Luật xuất bản số 22) và mới nhất là Luật xuất bản số:19/2012/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2012, cũng như Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 7/2/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản...
- Cụ thể việc triển khai thi hành Luật xuất bản ở tỉnh ta thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đen: Sau khi Luật Xuất bản năm 2012 được ban hành, tỉnh Cà Mau đã tổ chức quán triệt và cụ thể hoá các nhiệm vụ quản lý Nhà nước được quy định tại Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đồng thời hằng năm Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai, hướng dẫn việc cấp đổi thủ tục hành chính theo quy định và tổ chức tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Mặt khác, Sở chủ động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được Sở luôn coi trọng. Định kỳ hằng năm, Đội liên ngành phòng, chống in lậu của tỉnh đều ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân in ấn, kinh doanh xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Đội liên ngành thường xuyên phối hợp Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, TP Cà Mau kiểm tra, xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi hoặc xuất bản phẩm không được lưu hành theo đề nghị của Cục Xuất bản, in và phát hành.
Qua hơn 10 năm thi hành Luật Xuất bản số 19/2012, công tác xuất bản, in và phát hành trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của cả tỉnh, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của Nhân dân.
Phối hợp liên ngành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm (ảnh do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp).
- Hoạt động xuất bản cũng như công tác quản lý Nhà nước về hoạt động này trên địa bàn tỉnh hiện nay có những khó khăn gì đặt ra không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đen: Từ năm 2017 đến nay, trong tỉnh Cà Mau không có nhà xuất bản, chủ yếu là các xuất bản phẩm không kinh doanh. Các hoạt động khác như: tổ chức hội chợ triển lãm, đăng ký hoạt động xuất bản… không phát sinh. Ngoài ra là các tài liệu tuyên truyền phát hành nội bộ trong các sở, ban, ngành... trong tỉnh, không kinh doanh. Nội dung các xuất bản phẩm đều bám sát nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước. Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông cấp khoảng 40 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh với số lượng từ 320-390 ngàn bản. Nhìn chung, các cơ quan có tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm... xin cấp phép xuất bản trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của Luật Xuất bản về nội dung và hình thức của xuất bản phẩm.
In ấn cũng cần được kiểm tra nội dung trước khi phát hành. (Ảnh chụp tại Công ty Cổ phần Dịch vụ - In Trần Ngọc Hy Cà Mau).
Hoạt động in trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các sản phẩm báo in, tạp chí in và các ấn phẩm báo chí khác, như: biểu mẫu giấy tờ do cơ quan Nhà nước của tỉnh ban hành, hoá đơn tài chính, tài liệu của tổ chức, cá nhân, bao bì, nhãn hàng hoá, tài liệu không kinh doanh của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh... Nhìn chung, các cơ quan có tài liệu, ấn phẩm, xuất bản phẩm, các doanh nghiệp in trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt quy định của Luật Xuất bản về nội dung và hình thức của xuất bản phẩm. Từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện doanh nghiệp in có hành vi in lậu, in giả, in nối bản trái phép, cũng như không có xuất bản phẩm nào bị thu hồi, cấm phát hành.
- Xin ông cho biết những định hướng, tham mưu giải pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động xuất bản trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Đen: Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, hoạt động giao dịch thương mại điện tử trên môi trường mạng, hoạt động liên quan đến các sản phẩm của ngành xuất bản, in và phát hành cũng đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tìm kiếm và tham khảo công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động của mình.
Tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản để nâng cao văn hoá đọc. (Trong ảnh: Ngày Sách và Văn hoá đọc tỉnh Cà Mau năm 2024 tại Thư viện tỉnh Cà Mau).
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác xuất bản, in và phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 778/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau, công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình nội bộ, liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện đăng tải các thông tin và cung cấp một số dịch công trực tuyến. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 230/KH-UBND của tỉnh Cà Mau nhằm thực hiện chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử và kinh tế số, có thể góp phần cải thiện quản lý trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.
Đồng thời, tập trung vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản, in và phát hành, nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm để tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về hoạt động xuất bản, in và phát hành./.
- Xin cám ơn ông!
Mỹ Pha thực hiện