(CMO) Hiện nay, một bộ phận học sinh rất năng động, dám đương đầu thử thách. Với những bạn đã trưởng thành, mong muốn tự khẳng định bản thân thì công việc làm thêm là những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống.
Ngoài việc tạo nguồn thu nhập trang trải nhu cầu của bản thân, có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống, công việc làm thêm còn giúp các em học sinh có ý thức về giá trị đồng tiền và học cách chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt hằng ngày. Ở mỗi lứa tuổi, các em sẽ có những suy nghĩ cũng như hành động khác nhau khi nhận thức về cuộc sống. Học sinh THPT thì có xu hướng tìm tòi, mong muốn tự lập và trải nghiệm.
Đa phần học sinh đi làm thêm đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần một công việc để có thu nhập trang trải sinh hoạt cá nhân. Các em sẽ tìm cho mình công việc phù hợp như bán quần áo, dạy kèm, phục vụ quán nước, quán ăn… Tự bản thân các em biết sắp xếp thời gian hợp lý để vừa làm, vừa học.
Em Nguyễn Ngọc Nhi, học sinh lớp 10, trường THPT Hồ Thị Kỷ, tranh thủ thời gian rảnh sau giờ học đi làm để có thêm chi phí trang trải việc học tập. Nhi chia sẻ: “Em làm phục vụ quán cà phê cũng gần 6 tháng, mỗi ngày làm 4 giờ, mỗi giờ được trả công 10.000 đồng. Buổi sáng đi làm, buổi chiều đi học, những lúc học 2 buổi thì em không đi làm. Chủ quán mướn theo giờ nên công việc này giúp em chủ động được thời gian”.
Ngoài việc tạo nguồn thu nhập, công việc làm thêm đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Việc tự mình làm ra tiền bằng chính sức lao động sẽ giúp các em trân trọng công việc và biết sử dụng đồng tiền hợp lý. Bên cạnh đó, các em có cơ hội tiếp xúc nhiều với mọi người, từ đó học hỏi được cách ứng xử, giao tiếp văn minh, lịch sự.
Đối với một số học sinh, công việc làm thêm chưa hẳn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà chính là mong muốn được trải nghiệm. Em Hồ Bích Huyền, học sinh lớp 10, trường THPT Cà Mau, nhận giúp đỡ 1 học sinh lớp 2 có học lực yếu gần nhà. Thấy được sự nhiệt tình của Huyền và kết quả lại khả quan nên nhiều bậc phụ huynh quyết định cho con theo học với “cô gia sư 16 tuổi”.
Huyền chọn công việc dạy kèm tại nhà để tạo nguồn thu nhập cho bản thân. |
Với thành tích học tập khá, giỏi từ những năm học cấp 2 nên Huyền tạo được niềm tin từ các phụ huynh ở cùng xóm. Lớp học chỉ 4-5 học sinh nghèo, cùng với chiếc bảng nhỏ, nhưng đã duy trì gần 1 năm qua. Lúc mới bắt đầu dạy kèm, Huyền chỉ mong muốn giúp các em học sinh nghèo trong xóm theo kịp kiến thức với bạn, nhưng nhờ sự nhiệt tình mà phụ huynh quyết định trả công cho Huyền mỗi buổi học 15.000 đồng/em.
Huyền tâm sự: “Em chỉ dạy kèm các em từ lớp 1 đến lớp 5 ở cùng xóm. Mỗi tuần học 3-4 buổi, nếu có thời gian rảnh thì dạy nhiều hơn, chủ yếu là giúp các em ôn lại kiến thức và làm bài tập về nhà. Thấy học lực của các em tiến bộ nên phụ huynh rất an tâm. Em rất vui vì công việc này giúp em có thêm chi phí phục vụ việc học tập của bản thân”.
Chị Trần Thị Ngân, mẹ của Huyền, bộc bạch: “Lúc đầu khi Huyền dạy kèm, tôi băn khoăn lắm, sợ con mình sa sút chuyện học hành, nhưng sau thời gian, Huyền làm tốt công việc và thành tích học tập vẫn giữ vững nên tôi an tâm. Hơn nữa, thấy con mình có những suy nghĩ trưởng thành nên tôi hết lòng ủng hộ và động viên con tiếp tục công việc này”.
Việc đi làm thêm mang lại nhiều điều bổ ích đối với các bạn học sinh mạnh dạn đối mặt với thử thách, tự khẳng định mình, giúp các em thoả mãn niềm đam mê trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, phụ huynh cần định hướng cho các em, vì với độ tuổi này, việc nhận thức các vấn đề xã hội còn hạn chế. Bên cạnh khuyến khích, động viên con tự lập, phụ huynh cần giám sát công việc làm thêm để không ảnh hưởng đến sức khoẻ và kết quả học tập của con.
Hằng My