Chọn trường, chọn nghề đặc biệt quan trọng đối với các em học sinh lớp 12, vì đó chính là sự lựa chọn tương lai của các em.
Thầy Phan Văn Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Trường luôn quan tâm hướng nghiệp cho các em học sinh từ năm lớp 10. Theo dõi và nắm bắt những ngành nghề có nhu cầu phát triển của địa phương trong tương lai, như du lịch, thuỷ sản, dịch vụ… để định hướng thông tin cho các em, giúp các em có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, trường cũng xem xét và tìm hiểu những trường cao đẳng, đại học có uy tín để giới thiệu cho các em”.
Việc quan trọng nhất là làm sao để các em học sinh tránh đăng ký dự thi vào các trường đại học mà không xem xét đến những yếu tố đam mê nghề nghiệp, cũng như khả năng của bản thân. Hiện nay, tình trạng học sinh chọn trường thi chỉ vì trường đó nổi tiếng và danh giá đã không còn nhiều, thế nhưng vẫn còn một số ít các em chọn trường đại học để dự thi chỉ vì điểm chuẩn của năm trước thấp và có thể đảm bảo cho mình một tấm vé vào đại học.
Chọn ngành nghề đúng đam mê và khả năng sẽ giúp các em có tương lai tươi sáng. (Trong ảnh: Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, trong giờ học). |
Chị Nguyễn Như Ý, cựu sinh viên ngành Du lịch, chia sẻ: “Thời gian đầu khi mới vào học mình cũng chẳng thích thú gì ngành học này, nhưng đã chọn thì cũng cố gắng theo đuổi. Sau hơn một năm mình mới bắt đầu thích ứng và yêu thích nó. Mình biết làm nghề này vất vả lắm nhưng mang lại nhiều niềm vui, nhiều kiến thức và tập cho mình được tính nhẫn nại, chịu đựng. Mình muốn gửi đến các bạn trẻ, nếu đã yêu thích và muốn theo nghề này, đầu tiên phải có lòng yêu nghề, mà tiếp theo đó là phải có vốn kiến thức kha khá. Không chỉ kiến thức về du lịch, mà còn phải có kiến thức về xã hội, đời sống, kinh tế. Phải đi thực tế nhiều để tích luỹ kiến thức chứ kiến thức qua sách vở chẳng đủ đâu”.
Bạn Nguyễn Thị Như Ý, hiện đang học lớp 12A1, Trường THPT Phan Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, cho biết: “Em chọn thi khối A, chuyên ngành Quản trị văn phòng. Trước đây em đã tìm hiểu ngành học này qua mạng internet, qua những anh chị khoá trước và thầy cô hướng dẫn. Ngành này cần điểm từ 18-20, vừa với sức học của em. Hơn nữa, hiện tại địa phương mình cũng có nhu cầu”.
Ðối với hình thức tuyển sinh năm 2017, Bộ GD&ÐT dự kiến sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm.
Thầy Nguyễn Văn Bàng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho biết: "Dự thảo của Bộ GD&ÐT năm 2017 về thi tuyển sinh có rất nhiều điểm hay, nhất là với hình thức bỏ điểm sàn, điều này tạo nhiều cơ hội cho các em học sinh được vào đại học hơn. Vấn đề nhà trường quan tâm, đó là thông tin cụ thể từ các trường đại học, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chưa thông báo rõ, tổng số bao nhiêu học sinh đăng ký vào trường, thứ hạng của mình khi đăng ký vào trường, tôi nghĩ cần phải có một phần mềm cụ thể cho các em xác định thông tin nhanh hơn".
Sau khi kết thúc học kỳ I, các trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình học tập của các em học sinh, song song đó là tư vấn thông tin tuyển sinh cho phụ huynh học sinh, giúp các bậc cha mẹ nắm bắt những thông tin mới nhất về ngành nghề tuyển sinh năm 2017.
Ðể có sự lựa chọn tốt nhất ngành nghề cho tương lai, ngoài sự định hướng của nhà trường, học sinh cần phải tích cực học hỏi, tìm kiếm thông tin, tham gia các hoạt động ngoại khoá có liên quan đến nghề nghiệp, tham khảo những lời khuyên bổ ích từ gia đình, nhà trường hoặc từ các nhà tư vấn hướng nghiệp.
Thầy Nguyễn Văn Bàng cho biết thêm: "Kỳ thi tuyển sinh năm 2017 sẽ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn với 4 môn: Giáo dục công dân, Toán, Lịch sử, Ðịa lý, Tiếng Anh. Quan trọng nhất là môn Toán, các thí sinh cần phải chuẩn bị tốt kỹ năng sử dụng máy tính casio, để có thể đạt kết quả nhanh và chính xác nhất"./.
Bài và ảnh: Khánh Phương