(CMO) Là một ngôi trường vùng sâu còn gặp nhiều thiếu thốn nhưng với sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò trường Tiểu học Tân Nghiệp B đã mang đến niềm tin vào con chữ cho những học sinh vùng ven biển Cái Cám.
Trường Tiểu học Tân Nghiệp B thuộc ấp Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, đi vào hoạt từ năm học 2004 – 2005. Hiện trường có 1 điểm lẻ với tổng số 21 cán bộ, giáo viên. Cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, chưa có phòng chức năng, thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy, thiếu sân bãi. Trong 10 phòng học thì có đến 5 phòng học bán cơ bản, bàn ghế xuống cấp nhiều.
Học cũng tùy thời vụ
Học sinh nơi đây phần lớn đều có cha mẹ làm nghề biển, cuộc sống vất vả nên chuyện học hành của các em cũng gặp khó khăn. Trường có tổng số 202 học sinh thì đã có 90 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Mưu sinh bám biển, nhọc nhằn theo con nước nên ít có thời gian chăm lo việc con cái đi học.
Giờ nghỉ trưa của học sinh trường Tiểu học Tân Nghiệp B. |
“Cái khó khăn lớn nhất là vấn đề liên lạc giữa nhà trường với gia đình học sinh. Cha mẹ đi biển hoặc đi làm ăn xa nên các em phải ở nhà với ông bà. Muốn liên lạc với phụ huynh học sinh là chuyện rất khó khăn, ông bà già yếu mà cha mẹ thì vắng nhà. Do đó, các em nơi đây phần lớn thiếu sự quan tâm của gia đình trong vấn đề học tập”, thầy Nguyễn Thanh Nhanh, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Nghiệp B, chia sẻ.
Một giờ học tại trường Tiểu học Tân Nghiệp B. |
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cái chữ đến với các em còn lắm nhọc nhằn. Em Nguyễn Huỳnh Thu Thảo, lớp 4A1, trường Tiểu học Tân Nghiệp B, bộc bạch: “Cha mẹ đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh, em ở nhà với ông bà nội, khoảng 1 năm thì cha mẹ mới về thăm. Em tự lo việc học tập”.
Học sinh bỏ học thì ít nhưng học sinh học theo thời vụ là rất nhiều. Năm học 2017 có khoảng 10 trường hợp học theo thời vụ, các em theo cha mẹ làm nghề biển mưu sinh ở nhiều nơi, chỗ ở không ổn định nên chuyện học hành không thể ổn định. Có em học vài tháng thì chuyển hồ sơ đi nơi khác hay hồ sơ ở nơi khác chuyển về, vấn đề này gây nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy của nhà trường.
Vượt khó vươn lên
Lớp học mỗi em một màu áo, có em mặc áo trắng nhưng màu trắng lại chuyển sang màu vàng. Cuộc sống học sinh nơi đây còn gặp nhiều vất vả, thiếu thốn nên khó có thể mặc đồng phục đi học. Gương mặt ngây thơ trên đó còn lấm lem bùn đất, và có cả mùi của nắng cháy. Bấp bênh tìm con chữ nhưng các em vẫn cố gắng vượt qua mong chờ một cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải trông chờ vào nghề đi biển.
Em Nguyễn Quang Vinh, lớp 4A1, tâm tình: “Cha đi đẩy ruốc, mẹ đi cào sò, 3 anh em ở nhà phải tự lo việc học. Buổi trưa, tụi em hay ở lại quán gần trường để chờ đến giờ học chiều”.
Lứa tuổi tiểu học lại không có cha mẹ bên cạnh quan tâm nên phần lớn các em phải tự lo lắng cho chuyện học hành. “Nhà trường có quy định là mặc đồng phục đi học nhưng thấy các em nghèo quá nên cũng làm ngơ thôi”, thầy Nguyễn Thanh Nhanh, bày tỏ.
Cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, cuộc sống học sinh thì khó khăn nhưng thầy và trò trường Tiểu học Tân Nghiệp B vẫn không ngừng nỗ lực để vượt qua. Đội ngũ giáo viên trẻ tuổi, công tác giảng dạy dù gặp khó khăn nhưng giáo viên vẫn nhiệt tình truyền con chữ cho học sinh vùng ven biển. Ngôi trường còn thiếu thốn nhưng đó là nơi chăm bồi cho những khát vọng nhỏ nhoi vì tương lai tươi sáng.
“Thời gian tới, trường Tiểu học Tân Nghiệp B rất mong sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương về vấn đề cơ sở vật chất để nâng cao năng lực giảng dạy. Đặc biệt, có ổn định cuộc sống cho học sinh thì mới mong con đường học tập của các em nơi đây có bước phát triển tốt hơn”, thầy Nguyễn Thanh Nhanh kỳ vọng.
Hằng My