Quy định số 20-QÐ/TU, ngày 28/7/2023, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau nêu rõ: Nghiên cứu, quán triệt, học tập lý luận chính trị (LLCT) của Ðảng là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác chấp hành tốt việc học tập LLCT của Ðảng, dành thời gian tự học, tự nghiên cứu để nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng, phục vụ công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc nghiên cứu, học tập LLCT của Ðảng nhằm giúp đảng viên nhận thức, nắm bắt được đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng; củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo; vận dụng có hiệu quả những kiến thức LLCT của Ðảng vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp lãnh đạo, quản lý; có kiến thức, kỹ năng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị giúp đảng viên nắm bắt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Ðảng lãnh đạo. (Trong ảnh: Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 4, ngày 2/10). Ảnh: TRUNG ÐỈNH
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ðảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Ðảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Ðảng ta, để Ðảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”(1). Theo Người, lý luận như kim chỉ nam, chỉ cho chúng ta nắm được phương hướng trong thực tế, nếu không học lý luận thì không trông xa thấy rộng, dễ bị lạc hướng trong lúc đấu tranh, lúng túng như nhắm mắt mà đi... Do đó, học tập LLCT của Ðảng là yêu cầu thường xuyên, cấp thiết đối với đội ngũ đảng viên hiện nay.
LLCT của Ðảng là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng. Nội dung của việc nghiên cứu, học tập LLCT của Ðảng bao gồm: Lý luận về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Ðảng, của cấp uỷ các cấp và của cấp mình; nội dung tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, những vấn đề mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tôn giáo, dân tộc...
Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập LLCT của Ðảng, thời gian qua, đa số đảng viên đã tích cực, chủ động, tự giác nghiên cứu, học tập LLCT của Ðảng; thái độ học tập nghiêm túc, cầu thị; vận dụng có hiệu quả kiến thức lý luận với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...
Tuy nhiên, cũng còn một số đảng viên chưa thực hiện nghiêm việc học tập LLCT của Ðảng với các biểu hiện như: xem nhẹ việc học tập LLCT; thái độ học tập không nghiêm túc, đại khái, qua loa, gượng ép; mục đích học vì có bằng cấp, chứng chỉ để đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn chứ không phải học để nâng cao kiến thức, kỹ năng, đạo đức, lối sống của bản thân; chưa gắn kết những kiến thức LLCT với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách, quản lý...
Văn kiện Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, đó là: “Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị”. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng việc học tập LLCT của đội ngũ đảng viên, trước tiên, từng đảng viên phải nghiêm túc quán triệt quan điểm “nghiên cứu, học tập lý luận chính trị của Ðảng là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của đảng viên”, nêu cao tinh thần tự giác trong nghiên cứu, học tập; xây dựng thái độ nghiên cứu, học tập tích cực, nghiêm túc, khiêm tốn, cầu thị. Gương mẫu chấp hành tốt việc học tập LLCT của Ðảng, dành thời gian tự học, tự nghiên cứu để nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng; biết gắn kết tốt hơn nữa lý luận với thực tiễn, vận dụng những kiến thức LLCT đã được nghiên cứu, học tập một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tế ở địa phương, ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Các cấp uỷ đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho đảng viên về yêu cầu, vai trò của việc nghiên cứu, học tập LLCT; tăng cường lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để việc nghiên cứu, học tập LLCT của Ðảng thực chất, đem lại hiệu quả cao. Lấy kết quả việc nghiên cứu, quán triệt, học tập LLCT của Ðảng là cơ sở để nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm và cân nhắc, bố trí cán bộ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thái độ học tập nghiêm túc, đạt hiệu quả cao; phê bình, kiểm điểm những đảng viên có thái độ nghiên cứu, học tập không nghiêm túc./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia, H.2011, t.11, tr.90.
Phạm Kim Hửng