Ngày 20/2, đoàn công tác của Học viện Chính trị khu vực II do ông Đỗ Công Hoàng, cán bộ Ban quản lý Đào tạo Học viện II, dẫn đầu đến tham quan, nghiên cứu thực tế, trao đổi kinh nghiệm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và tình hình thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của huyện Trần Văn Thời. Tháp tùng cùng đoàn có ông Nguyễn Duy Thanh, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.
Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của huyện.
Theo đó, đoàn công tác đến trao đổi, làm việc tại UBND huyện. Thông tin với đoàn, Chánh văn phòng UBND huyện Phạm Văn Vẹn cho hay: “Huyện Trần Văn Thời được quy hoạch là vùng ngọt hoá lớn nhất của tỉnh, kinh tế phát triển đa dạng trên các lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; là vựa lúa lớn nhất của tỉnh với trên 32.000 ha; có cửa biển sầm uất bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long với trên 2.000 phương tiện khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá. Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản của huyện trên 160.000 tấn”.Đại diện thành viên đoàn trao đổi thông tin định hướng phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông; giải pháp khắc phục hạn hán, sạt lở, sụt lún và vấn đề nước sạch sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy của huyện đang được thực hiện quyết liệt, cơ cấu lại cán bộ công chức viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ và tinh giản biên chế một cách triệt để, gắn với chính sách thu hút người có tài vào khu vực công theo đúng tinh thần chỉ đạo. Cụ thể, sau khi sắp xếp tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị huyện sẽ giảm 3 cơ quan, đơn vị; 6 cấp trưởng, phó; 13 biên chế công chức, viên chức và hợp đồng lao động. Đồng thời, tiếp tục tinh gọn theo lộ trình sắp tới.
Đoàn tặng quà lưu niệm cho địa phương và trao tượng trưng 1 căn nhà trị giá 40 triệu đồng, góp phần vào chương trình xoá nhà tạm, dột nát của địa phương.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn trao đổi thông tin, định hướng phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng giao thông; giải pháp khắc phục hạn hán, sạt lở, sụt lún và vấn đề nước sạch sinh hoạt của người dân. Qua đó, đề xuất những giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch của địa phương, trong đó sử dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người huyện Trần Văn Thời nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung, đồng thời, thúc đẩy sản phẩm OCOP của huyện vươn xa hơn.
Ông Đỗ Công Hoàng, cán bộ Ban quản lý đào tạo, Học viện Chính trị khu vực II, bày tỏ lời cảm ơn lãnh đạo huyện tạo điều kiện để học viên nghiên cứu thực tế hoàn thành khoá học.
Thông tin về các dự án sắp tới góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện mong muốn các cán bộ của đoàn ở các tỉnh, thành phố có sự phối hợp, hỗ trợ trong thời gian tới để địa phương ngày càng phát triển hơn.
Chiều cùng ngày, đoàn đến thăm và làm việc tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Tại đây, ông Hồ Hoàng Ca, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chia sẻ về hệ sinh thái đặc trưng Vườn Quốc gia. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 1.630 ha; rừng trồng hơn 6.000 ha; than bùn (dày 0,5-1,5m) có diện tích 2.654 ha chiếm tỷ lệ 31%; diện tích đất sét trên 5.870 ha, chiếm 69%. Đặc biệt, Vườn Quốc gia luôn được bảo vệ nghiêm ngặt vừa đảm bảo động thực vật quý hiếm sinh tồn, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa chú trọng công tác phòng chống cháy rừng.
Sau khi tiếp thu nhiều thông tin của địa phương về nét đặc trưng, giá trị tài nguyên của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, 1 trong 3 vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, là vùng rừng tràm nguyên sinh duy nhất, đoàn đã đi tham quan thực tế khu vực rừng thuộc Vườn Quốc gia, đồng thời tặng quà lưu niệm cho đơn vị.
Đoàn tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Trước đó, đoàn đến tham quan, nghiên cứu thực tế tại Khu di tích lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Hồng Nhung - Hằng My