Để nắm thông tin tình hình triển khai, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau phục vụ phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, từ ngày 10-12/9, đoàn công tác HĐND tỉnh chia làm 2 tổ khảo sát các mặt công tác này tại các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Sáng nay (10/9), 2 tổ công tác khảo sát tại huyện Cái Nước và Đầm Dơi.
*Tổ khảo sát tại huyện Cái Nước do ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội dẫn đoàn đã đến khảo sát thực tế Bộ phận một cửa, gặp trực tiếp người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã có sản phẩm OCOP; trao đổi với đại diện ấp (khóm), Tổ Công nghệ số cộng đồng... tại xã Tân Hưng Đông và thị trấn Cái Nước để nắm thực trạng tình hình triển khai, thực hiện chuyển đổi số của các địa phương. Qua đó, ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ ý thức cán bộ đến người dân. Tuy nhiên, các địa phương cũng chia sẻ một số khó khăn; trong đó, nguồn lực còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin cần được đầu tư, hỗ trợ cho các tổ hoạt động công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ)…
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội cùng các thành viên trong tổ nắm tình hình hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng ấp Đông Hưng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước.
Thành viên đoàn kiểm tra an toàn thông tin mạng của các máy tính tại bộ phận một cửa thị trấn Cái Nước.
Ông Kiều Thi Đua, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Cái Nước, chia sẻ, hiện nay nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn hạn chế, đề án vị trí việc làm khi tham mưu xây dựng chưa được quan tâm nhiều về vị trí này, phần lớn cán bộ các cơ quan là kiêm nhiệm (chuyên môn không phù hợp) nên việc tiếp cận, thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số còn chậm.
Tổ khảo sát tại bộ phận một cửa UBND huyện Cái Nước.
Trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của người dân là khá cao, nhưng phần lớn là cán bộ hỗ trợ, người dân chưa tự thực hiện được nên về hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, trang thiết bị chưa được đầu tư kịp thời cũng ảnh hưởng tới tiến độ công việc.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, đề xuất: “Về lâu về dài, công tác tuyên truyền cần được đặt lên hàng đầu, tập dần cho người dân từng bước quen dần với công nghệ số. Cần phải duy trì tổ CNSCĐ và cần có cơ chế chính sách đặc thù cho đội ngũ này hoạt động. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng lâu dài, do vậy cần đầu tư đồng bộ từ hạ tầng, tập huấn, kinh phí, phát huy hiệu quả việc số hoá và tái sử dụng dữ liệu hồ sơ đã số hoá”.
Ông Nguyễn Phương Đông chia sẻ:“Sắp tới sẽ có hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tổ CNSCĐ để hoạt động hiệu quả hơn".
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ địa phương, cơ sở, nhất là tổ CNSCĐ đã nhiệt tình hỗ trợ người dân trong triển khai công nghệ số, ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Sắp tới tỉnh sẽ có những hỗ trợ kịp thời cho lực lượng tổ CNSCĐ để hoạt động hiệu quả hơn. Lãnh đạo địa phương cần báo cáo cụ thể, rõ ràng những khó khăn, vướng mắc về công tác chuyển đổi số để cấp trên có chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời”.
*Tổ khảo sát công tác chuyển đổi số tại huyện Đầm Dơi do bà Vũ Hồng Như Yến, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, làm tổ trưởng.
Đến nay, Đầm Dơi có 100% cán bộ, công chức huyện, 97% cán bộ, công chức xã, thị trấn được trang bị máy tính phục vụ xử lý công việc chuyên môn. 100% cơ quan Nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn đều có máy quét văn bản, hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao hoạt động cơ bản ổn định. 100% máy vi tính được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản lý tập trung (Kaspersky Antivirus).
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, khảo sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Đầm Dơi.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh, khảo sát tại xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi.
Ngoài ra, huyện còn thường xuyên truyền thông, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số tại địa phương cho cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng. Trên địa bàn hiện có 30 cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số và 132 tổ công nghệ số cộng đồng ấp, khóm, với 724 thành viên.
Đối với phát triển kinh tế số, xã hội số, huyện có 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nền tảng chuyển đổi số và 100% doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử. Toàn huyện có 43 sản phẩm của 11 chủ thể trên địa bàn 8 xã được đánh giá, phân hạng và được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt 4 sao, 3 sao theo Bộ tiêu chí quốc gia và là huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất của tỉnh, với 43/152 sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh trên địa bàn huyện đạt 76%, tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 70%. Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet phủ khắp 16/16 xã, thị trấn. Việc triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện” đã đạt cả 3 mục tiêu đề ra như: hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến đạt 96,83%, số hoá hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 76,97% và thanh toán trực tuyến đạt 75,31%.
Người dân làm thủ tục nhận diện khuôn mặt, bắt số khi đến liên hệ công việc tại bộ phận một cửa xã Tạ An Khương Nam.
Khó khăn hiện hay ở tuyến xã về chuyển đổi số, xã hội số là một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận được các phần mềm về chuyển đổi số (chủ yếu người lớn tuổi) cũng như chưa có nhận thức cao về sử dụng các phần mềm chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu./.
Hồng Nhung – Đặng Duẩn