Trong quý II/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có tới hơn 400.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Điều này đặt ra vấn đề cần chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trong quý II/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó có tới hơn 400.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Điều này đặt ra vấn đề cần chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế.
Thông tin này được đưa ra trong buổi họp báo công bố "Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II" do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội.
Theo Bản tin, trong quý II/2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý I. Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật.
Cụ thể, có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp...
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% trong tổng số người thất nghiệp, gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.
Về thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong quý II, thu nhập bình quân tháng của người lao động làm công hưởng lương là 4,85 triệu đồng, giảm 228.000 đồng so với quý I.
Bên cạnh đó, chất lượng lao động thể hiện qua tỷ lệ qua đào tạo nói chung cải thiện chậm, chiếm 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng nhóm lao động trình độ đại học trở lên và nhóm cao đẳng nghề có sự gia tăng đáng kể.
Trong quý II, nhóm lao động có bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất, chiếm 30,9%, tiếp theo là nhóm có trình độ cao đẳng (chiếm 19,2%) và trình độ đại học trở lên (chiếm 16,8%).
Nhóm nghề có trình độ chuyên môn như kế toán - kiểm toán, quản trị kinh doanh, nhân sự... là những nhóm nghề có số lượt người tìm việc nhiều nhất. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung vào các công việc lao động phổ thông, chăn nuôi, cơ khí chế tạo, bán hàng, nhân viên kinh doanh, dệt may, điện tử...
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, việc nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, lao động có trình độ cao đẳng, đại học ít đang là thực trạng của thị trường lao động.
Thực tế hiện nay cho thấy, lao động có trình độ kỹ thuật trong những nhóm quản trị kinh doanh, kinh tế đang thừa, tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi thị trường lao động lại đang thiếu lao động kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề trong các nhà máy.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, về vấn đề thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ, cần phải có sự kết hợp của các bộ, ngành, phải thay đổi nhận thức của thanh niên trước ngưỡng cửa cửa vào giáo dục chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng. Đặc biệt, phải có dự báo để đổi mới kế hoạch hoá giáo dục đào tạo tương ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Tuy nhiên, hiện nay các trường vẫn chưa tự chủ được vấn đề này mà tuyển sinh theo quy mô về số lượng giảng viên, diện tích trường học, chứ không dựa trên nghiên cứu nhu cầu thực tế.
Theo Báo điện tử Chính phủ