(CMO) Từ đầu năm đến nay, các cấp hội phụ nữ phát hiện, giới thiệu điển hình hơn 100 mô hình hay, cách làm hiệu quả; 310 gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được giới thiệu tuyên truyền trên báo, đài, Trang thông tin điện tử tỉnh, trang mạng xã hội Facebook, Zalo của Hội; duy trì 9 không gian khởi nghiệp và quán cà phê khởi nghiệp tại 9 huyện, thành phố.
Các cơ sở hội đã vận động xây dựng 42 căn nhà “Mái ấm tình thương”, 24 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.
Duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tiết kiệm, huy động được 41,5 tỷ đồng, từ nguồn này hỗ trợ cho 20 ngàn chị em khó khăn để phát triển kinh tế, xây sửa nhà, nuôi con ăn học, trong đó duy trì được 68 tổ hùn vốn bằng vàng (490 chỉ) giúp 50 chị phát triển kinh tế.
Chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm, sáng ngày 14/7, bà Trần Thị Kiều Yến, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, yêu cầu các cấp hội đẩy mạnh thực hiện hai khâu đột phá.
Thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Hội đã nhận đỡ đầu 75 trẻ mồ côi do Covid-19 và 290 trẻ mồ côi do nguyên nhân khác. Năm 2023 đăng ký nhận đỡ đầu 202 trẻ.
Tham gia công tác giảm nghèo bền vững, năm 2023 Hội LHPN tỉnh đăng ký giúp 772 hộ (234 hộ nghèo, 271 hộ cận nghèo, 177 hộ mới thoát nghèo) vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các cấp hội thực hiện có hiệu quả 718 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, với 2.370 thành viên, thực hiện tốt công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; duy trì có hiệu quả mô hình “Nhà tạm lánh” với 7 thành viên, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, Hội LHPN tỉnh, huyện ký kết thoả thuận hợp tác với VNPT và ngân hàng thực hiện các hoạt động chuyển đổi số; hướng dẫn đăng ký dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số và mở thẻ tín dụng cho cán bộ hội chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và chi hội trưởng phụ nữ ấp, khóm, tổ trưởng Tổ hợp tác, chủ thể sản phẩm OCOP và hội viên nòng cốt.
Chỉ đạo nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, bà Trần Thị Kiều Yến, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, yêu cầu các cấp hội đẩy mạnh thực hiện 2 khâu đột phá về “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác hội” và “Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), có ít nhất 15 sản phẩm giá trị và hiệu quả do phụ nữ thực hiện”.
Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; tăng cường tổ chức đối thoại giữa phụ nữ với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; kịp thời lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp./.
Mộng Thường