Đến nay, nắng nóng và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hơn 20.000 ha trong tổng số diện tích hơn 35.000 ha lúa gieo cấy trên vùng đất nuôi tôm tại Cà Mau, ước tính thiệt hại ban đầu trên 15 tỷ đồng. Diện tích sản xuất lúa - tôm bị thiệt hại nặng nhất tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn.
(CMO-HNH) Đến nay, nắng nóng và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hơn 20.000 ha trong tổng số diện tích hơn 35.000 ha lúa gieo cấy trên vùng đất nuôi tôm tại Cà Mau, ước tính thiệt hại ban đầu trên 15 tỷ đồng. Diện tích sản xuất lúa - tôm bị thiệt hại nặng nhất tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: “Mặc dù mới chỉ bắt đầu chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nhưng tại Cà Mau, tình hình khô hạn diễn ra khá gay gắt. Công tác PCCCR đang ở cấp 3, cấp nguy hiểm. Nước ở các kinh cấp 2, cấp 3 đều cạn. Riêng kinh cấp 1 mực nước chỉ còn khoảng 1 m, việc lưu thông hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn".
Theo báo cáo và nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Cà Mau, hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới. Ngoài ra, những ngày tới sẽ tiếp tục có đợt triều cường mới do cường độ không khí lạnh di chuyển, vì vậy, người dân cần cẩn thận trong bao ví đê bao để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Do khô hạn kéo dài nên tình hình xâm nhập mặn cũng diễn ra gay gắt và ngày càng nghiêm trọng. Hiện ngành chức năng đã đo được độ mặn sâu vào nội đồng từ 2%o-3%o. Đặc biệt, tại các cống, đập như: Đá Bạc, Bảy Ghe, Công Nghiệp, Dớn Hàng Gòn, Bà Mụ… độ mặn đo được từ 5%o-10%o, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân khu vực huyện Trần Văn Thời và U Minh./.