Năm 2023, số lao động có việc làm là 51,2 triệu người, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8%. Ước thực hiện cả năm, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155 ngàn người, đạt 129% kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện tại, có khoảng 650 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thông tin trên được Bộ LĐ-TB&XH nêu tại hội nghị đánh giá kết quả năm 2023 và triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024, sáng ngày 26/12. Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đánh giá, số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng; lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Hiện còn khoảng 38,3 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp; chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng chậm; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng, không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng.
Công tác chăm sóc người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện hiệu quả; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho 1,1 triệu đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng.
Tính đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 căn và sửa chữa khoảng 3.500 căn nhà tình nghĩa; tặng 10.500 sổ tiết kiệm. Cả nước có 2.950 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ngân sách trung ương chi 600 tỷ đồng nâng cấp, tu bổ, sửa chữa mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
Hội nghị đề ra các chỉ tiêu cho năm 2024 như: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua
đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%...
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chương trình đào tạo riêng cho giáo viên về phụ trách hướng nghiệp, bởi hiện nay công tác hướng nghiệp chưa thật sự bài bản, chưa có trọng tâm, trọng điểm.
Năm 2023, số lao động cả nước có việc làm là 51,2 triệu người, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trong thời gian tới cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững, chú trọng tạo việc làm mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về giải quyết việc làm trong nước; nâng cao hiệu quả cho vay Quỹ quốc gia về việc làm; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ.
Thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, đến các khu công nghiệp.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn, hòa nhập thị trường lao động trong nước.
“Chú trọng dự báo sát nhu cầu thị trường lao động; Bộ Giáo dục và Đào tạo cần liên thông các cấp học, trình độ. Trong quý I cần hoàn thiện sàn giao dịch việc làm quốc gia. Bộ LĐ-TB&XH đóng vai trò là hạt nhân trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu bảo hiểm toàn dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Kim Cương