Trên vùng biển Tây Cà Mau, ngoài đảo Hòn Chuối, hòn Ðá Bạc, ít ai biết đến Hòn Hàng (còn được gọi với cái tên khác là Hòn Buông). Hòn Hàng nằm ở 8053' vĩ độ Bắc và 104034' kinh độ Ðông, đây là đảo đá hình thành muộn.
Hòn Hàng thuộc cụm đảo Hòn Chuối, cách đảo Hòn Chuối chỉ hơn 3 hải lý và cách đất liền trên 18 hải lý, thuộc địa giới hành chính thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời.
Ðược xem là “đứa em” trong cụm đảo Hòn Chuối, cấu tạo địa chất Hòn Hàng được hình thành bởi nhiều lớp đá silic chồng lên nhau. Nếu như đảo Hòn Chuối có sự hiện diện của các lực lượng chức năng và người dân sinh sống với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản khá sôi động thì Hòn Hàng trơ trụi, ít cỏ cây, phần lớn là đá.
Trông từ xa, Hòn Hàng như con cá to với cái đầu lớn đang ngoi lên, trườn mình về phía Tây, tạo hình ảnh hùng vĩ và sức sống mãnh liệt giữa biển khơi nhưng không kém phần tươi đẹp và bình dị trong mùa biển lặng. Hòn Hàng cũng là một trong những nơi ngư dân neo đậu tàu khi vươn khơi bám biển, nhất là những lúc thời tiết bất lợi...
Mùa này, thời tiết vùng biển Tây khá êm, khu vực quanh Hòn Hàng có những chiếc tàu neo đậu, tạo nên nét đẹp thơ mộng làm cho bức tranh thiên nhiên nơi đây thật hiền hoà, bình yên.
Hòn Hàng là đảo nhỏ, cao dần về phía Tây, cách đảo Hòn Chuối khoảng 3 hải lý.
Hòn Hàng có hình dáng như một con cá lớn đang trườn mình hướng về phía Tây.
Khi thời tiết trên biển tốt, từ Hòn Hàng trông về Hòn Chuối khá gần.
Trần Nguyên thực hiện