(CMO) Trí Lực là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Thới Bình đạt chuẩn NTM trong năm 2015. Mục tiêu mà Đảng bộ xã Trí Lực đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là dồn sức duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí, tiến tới NTM nâng cao.
Nhiệm kỳ qua, không chỉ dồn sức duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí, Đảng bộ và Nhân dân Trí Lực còn nỗ lực bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tiến tới đạt tiêu chí NTM nâng cao theo Quyết định 1419/QĐ-UBND tỉnh. Hiện Trí Lực đã đạt 9/13 tiêu chí.
Phát triển sản phẩm chủ lực
Bí thư Đảng uỷ xã Trí Lực Dương Chúc Linh cho biết, 4 tiêu chí NTM nâng cao chưa đạt là giao thông, thu nhập, môi trường và tuyến dân cư kiểu mẫu. Trong đó, tiêu chí thu nhập cần được bổ sung, củng cố, bởi đây là tiêu chí chỉ đạt 94% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 (46,05 triệu đồng/người/năm). Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp - thuỷ sản thiếu bền vững.
Vậy nên, Trí Lực mạnh dạn triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, tập trung phát triển 2 sản phẩm chủ lực, là lúa hữu cơ chất lượng cao ST20, ST24 và tôm càng xanh; song song đó, kết hợp với Tập đoàn Minh Phú triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái trên địa bàn 5/5 ấp, diện tích 1.000 ha, có 900 hộ tham gia.
Toàn cảnh Đền thờ Bác Hồ, công trình luôn được nâng niu, tôn tạo.Ảnh: Liêu Hỏn |
Hiện toàn xã có hơn 2.300 ha lúa trên đất nuôi tôm, tổng sản lượng lúa hơn 38.500 tấn (đạt 100,79% chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020). Theo bà Dương Chúc Linh, kết quả đáng phấn khởi này là nhờ kế hoạch tái cơ cấu ngành lúa - gạo, tập trung chủ yếu vào việc tổ chức lại sản xuất, áp dụng các kỹ thuật canh tác (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm) thay thế dần phương pháp canh tác còn mang tính truyền thống, lạc hậu của người dân. Tính đến cuối năm 2019, toàn xã có hơn 94% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống đạt chuẩn cấp xác nhận trở lên.
“Diện tích nuôi thuỷ sản hơn 2.900 ha, tăng 380 ha so với đầu nhiệm kỳ (từ diện tích mía chuyển sang); đặc biệt, mô hình sản xuất xen canh lúa - tôm càng xanh từ 320 ha năm 2015 tăng lên 2.335 ha năm 2019, dự báo tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo”, bà Dương Chúc Linh phấn khởi.
Bước tiến đột phá của Trí Lực chính là đẩy mạnh chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp người dân an tâm. Xã hiện có 2 hợp tác xã (HTX): HTX lúa - tôm Trí Lực và HTX dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Đoàn Phát, hoạt động bài bản. Đây là điều kiện thuận lợi để xã đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng vào năm 2020.
Gạo sạch Trí Lực hạt dẻo, mềm, thơm ngon, giá bán từ 27.000-30.000 đồng/kg. Ảnh: Băng Thanh |
Giám đốc HTX lúa - tôm Lê Văn Mưa phấn khởi: “HTX có 17 thành viên, sản xuất 25 ha lúa hữu cơ - tôm càng xanh và cua, mỗi thành viên đều tuân thủ quy trình sản xuất, được sự hướng dẫn tận tình của kỹ sư, nhờ đó mà năng suất, giá cả cao hơn so với trước, bình quân mỗi năm thu nhập gần 140 triệu đồng/ha”.
Đặc biệt, vụ mùa năm 2019 vừa qua, sau khi bán lúa cho công ty, các thành viên đã giữ lại 17 tấn, chà gạo, đóng gói, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Trí Lực và chào hàng ở nhiều nơi: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Cà Mau, với giá bán từ 27.000-30.000 đồng/kg. Tính đến nay, HTX đã bán được hơn 5 tấn gạo, khách hàng rất ưa chuộng, góp phần nâng cao danh tiếng cho sản phẩm đặc sản của địa phương, cũng như tăng giá trị sản phẩm lúa được canh tác trên vùng đất lúa - tôm xã Trí Lực nói riêng và Thới Bình nói chung.
Đáng phấn khởi là hiện có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa với giá từ 7.550-7.750 đồng/kg. Trí Lực đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa - tôm đặc sản, với khoảng 300 ha lúa hữu cơ vào vụ mùa 2020 và xây dựng thương hiệu riêng mang tên “Gạo sạch Trí Lực”.
Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên vụ tôm càng xanh của nông dân Trí Lực năm sau cao hơn năm trước. Ảnh: Minh Phong |
Tạo bước đột phá
Kinh tế - xã hội phát triển chính là điều kiện thuận lợi để Trí Lực đầu tư mạnh mẽ hơn cho xây dựng xã NTM nâng cao, do đó, nhiệm kỳ 2020-2025, xã Trí Lực xác định 2 khâu đột phá: phát triển sản xuất tôm - lúa chất lượng cao theo quy trình sạch, hữu cơ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường; tập trung huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, xã tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên và nguồn nội lực của Nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là các công trình phúc lợi xã hội, giao thông nông thôn.
“Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của huyện, với truyền thống cách mạng kiên cường, toàn Đảng bộ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo bước đột phá trong xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu xây dựng xã Trí Lực phát triển toàn diện và bền vững”, bà Dương Chúc Linh khẳng định./.
7 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: - Xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao. - Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 15.253 tấn. - Tổng sản lượng lúa đạt 50.778 tấn, năng suất bình quân 4,2 tấn/ha. - Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 10-15%. - Thu nhập bình quân đầu người đạt tiêu chí xã NTM nâng cao. - Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm ở mức dưới 1,5%. - Hàng năm, Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; chính quyền xã đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến trở lên; các tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên. |
Băng Thanh - Thuỳ Linh