Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã lùi vào quá khứ, thời gian hoà bình 40 năm đủ để những hố bom ngày nào trở thành những cánh đồng lúa trĩu hạt, nhiều thế hệ được sinh ra trong thời hậu chiến đã trưởng thành và toả sáng tài năng, thế nhưng có những vết thương do chiến tranh gây ra vẫn còn âm ỉ. Nỗi đau vẫn hiện hữu trong từng số phận con người không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hậu quả nặng nề đó không chỉ ảnh hưởng những người trực tiếp tham gia kháng chiến mà di chứng của chất độc còn ảnh hưởng đến con, cháu họ.
Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã lùi vào quá khứ, thời gian hoà bình 40 năm đủ để những hố bom ngày nào trở thành những cánh đồng lúa trĩu hạt, nhiều thế hệ được sinh ra trong thời hậu chiến đã trưởng thành và toả sáng tài năng, thế nhưng có những vết thương do chiến tranh gây ra vẫn còn âm ỉ. Nỗi đau vẫn hiện hữu trong từng số phận con người không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Hậu quả nặng nề đó không chỉ ảnh hưởng những người trực tiếp tham gia kháng chiến mà di chứng của chất độc còn ảnh hưởng đến con, cháu họ.
Nỗi đau hiện hữu
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Trương Văn Sáu, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tham gia công tác tại địa phương. Ông lập gia đình, vợ chồng ông sinh được 5 người con thì có 3 người ảnh hưởng nặng nề di chứng của chất độc da cam. Trương Văn Quốc 26 năm sống trong nỗi đau của bệnh tật cho đến chết. Trương Văn Doãn từ lúc sinh ra cho đến gần 30 tuổi không biết gì, cả việc đói no, chỉ nằm yên một chỗ với đôi mắt vô hồn. Còn đứa con gái út thì mỗi năm từ 1-2 đợt bị bong da toàn thân, phải nằm một chỗ đến vài tháng, không đi lại, ăn uống được.
Hội Chữ thập đỏ huyện Trần Văn Thời cùng các nhà hảo tâm tặng xe lăn cho người nhiễm chất độc da cam. Ảnh: CHÍ THANH |
Ông Lâm Văn Ổi, ấp Tân Thời, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Mỹ, con ông là Lâm Trà My đã 24 tuổi nhưng bé như đứa trẻ lên 8, lên 10. Từ ngày sinh ra đến nay, Trà My chỉ nằm một chỗ, không biết gì cả, mọi sinh hoạt đều do mẹ làm thay. Những lần bao vây đồn giặc, bị pháo ép, mấy chục năm nay ông Ổi mang chứng bệnh thần kinh. Dù lúc thần kinh căng thẳng, ông không còn biết mình đang làm gì, không thể kiềm chế mọi hành động của mình, nhưng mỗi khi nhìn Trà My đáng thương nằm bất động trên giường, ông lại oà khóc.
Toàn tỉnh hiện có 6.021 người bị ảnh hưởng chất độc da cam được hưởng chính sách trợ cấp, trong đó có 3.712 người hoạt động kháng chiến, số còn lại là con của những người hoạt động kháng chiến. Hơn 6.000 trường hợp bị nhiễm chất độc hoá học thì cũng ngần ấy số phận trớ trêu. Có người suốt đời phải khổ đau vì bệnh tật, có người thì tưởng như lành lặn bởi trên thân thể họ không có bất kỳ một biểu hiện gì bất thường, nhưng những đứa con do họ sinh ra lại không thể bình thường như những con người bình thường khác. Nỗi đau ấy đang âm thầm gặm nhấm, bào mòn sức lực của từng số phận khi chất độc da cam đang tiếp tục ảnh hưởng đến thế hệ thứ hai, thứ ba. Thực tế đâu chỉ có hơn 6.000 trường hợp được hưởng chính sách mà có hàng ngàn người dân đang bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, và con, cháu của họ cũng đang bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc chết người ấy đang cần sự quan tâm, sẻ chia không chỉ của xã hội mà của toàn thế giới.
Chung tay xoa dịu nỗi đau
Bà Nguyễn Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Cà Mau, cho biết, phần lớn những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin sau giải phóng không tiếp tục công tác, đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Ðã qua, hội luôn cố gắng tìm nguồn tài trợ để giúp đỡ những hộ nạn nhân da cam đặc biệt khó khăn.
10 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã vận động được hơn 41 tỷ đồng, trong đó tiền mặt gần 6 tỷ đồng để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Cụ thể, đã xây cất được 312 căn nhà, sửa chữa 42 căn nhà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Song, theo đó, hội cũng đã vận động các nhà hảo tâm tài trợ và trao tận tay nạn nhân 2.167 chiếc xe lăn và 73.930 suất quà.
Riêng đợt cao điểm Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động tiền và quà trên 1 tỷ đồng, theo đó tặng 900 suất quà, bình quân 300.000 đồng/suất; đã và đang xây cất 12 căn nhà tình thương cho nạn nhân nghèo, tổng trị giá 235 triệu đồng; vận động Hội Phụ nữ TP Hồ Chí Minh xây 1 cây cầu nông thôn tại xã Khánh Bình Tây, trị giá 60 triệu đồng. Nhiều đơn vị trong tỉnh làm tốt công tác chăm lo cho nạn nhân, điển hình là TP Cà Mau, các huyện: Cái Nước, Năm Căn, Ðầm Dơi, U Minh, Thới Bình.
Ông Mạc Thanh Bô, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Cà Mau, chia sẻ, phần lớn nạn nhân chất độc da cam dù kinh tế ổn định hay đang gặp khó khăn đều rất cần sự chăm sóc, sẻ chia. Do đó, người làm công tác hội phải thật sự là những người không chỉ phải làm tròn trách nhiệm mà cần phải thật sự có trái tim hoà nhịp cùng nỗi đau của họ.
Bà Nguyễn Tuyết Nga bộc bạch, tiếp xúc nhiều với các nạn nhân mới thấu hiểu hết nỗi đau, mới thấy hậu quả chất độc da cam là vô cùng khủng khiếp. Bởi thế, chung tay xoa dịu nỗi đau với những mảnh đời bất hạnh là trách nhiệm không chỉ riêng ai, mà là của toàn xã hội và cả nhân loại. Lên án gắt gao hành động của những cá nhân, tổ chức sử dụng chất độc hoá học làm ảnh hưởng đến con người, đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đó chính là tiếng nói của lương tri./.
Huyền Linh