Năm 2004, huyện Cái Nước tách ra thành 2 huyện, Cái Nước và Phú Tân; lúc bấy giờ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cái Nước lên đến 11%. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, qua 20 năm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ý thức vượt khó vươn lên của hộ nghèo, toàn huyện có hơn 3.200 hộ thoát nghèo bền vững.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện triển khai nhiều chương trình hành động, tham gia vận động giúp đỡ hộ nghèo. Thông qua đó, các cấp, các ngành đã rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng để có biện pháp hỗ trợ đúng nhu cầu.
Với hộ nghèo do ít đất sản xuất, ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý. Với hộ nghèo không đất nhưng có sức khoẻ, sẽ hỗ trợ đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm. Với hộ nghèo do ốm đau, bệnh tật, mất khả năng lao động, sẽ tạo điều kiện cho họ được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Những hộ khó khăn về nhà ở thì vận động hỗ trợ xây cất nhà để họ có mái ấm ổn định, yên tâm lao động sản xuất. Riêng đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tín chấp cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên giải ngân vốn vay ưu đãi, giúp hộ nghèo và cận nghèo đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.
Từ những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo cụ thể cho từng đối tượng, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên.
Hộ ông Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp Rạch Dược, xã Tân Hưng Ðông, không đất sản xuất, sống bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh, thuộc diện nghèo gay gắt ở địa phương. Thông qua chủ trương phân công đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo, nắm bắt được tâm tư gia đình mong muốn có đồng vốn sắm xuồng máy đi mua bán, chính quyền địa phương đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, giải ngân cho gia đình vay 10 triệu đồng để đầu tư phương tiện làm nghề mua bán nước đá. Tranh thủ thời gian rảnh, gia đình còn nhận nguyên liệu về ráp lú gia công, từ đó kinh tế từng bước ổn định và đủ điều kiện thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Chung Thị Thắm, ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân, có ít đất sản xuất, kinh tế chủ yếu từ nghề phụ hồ của người chồng. Qua nhiều năm vượt khó làm nghề, chồng chị Thắm đã trở thành thợ chính nên có mức thu nhập khá hơn. Tuy vậy, chị cũng mong muốn phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Nhận thấy nỗ lực lao động của gia đình, chính quyền địa phương xét đầu tư dự án chăn nuôi heo thương phẩm với tổng đàn 4 con và 50 con gà từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ dự án này, chị tiếp tục tái đàn và duy trì nghề chăn nuôi, kết hợp với nguồn thu nhập từ nghề thợ hồ của chồng và con, kinh tế gia đình ổn định, chị đã xin ra khỏi hộ nghèo.
Hộ ông Nguyễn Thanh Tuấn và hộ chị Chung Thị Thắm là 2 trong hơn 3.200 hộ nghèo trên địa bàn huyện Cái Nước đã vươn lên thoát nghèo bền vững từ sự trợ lực của cả hệ thống chính trị triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong 20 năm sau chia tách huyện.
Xã Phú Hưng tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình nuôi tôm - cá kết hợp trong ruộng lúa, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Ông Lâm Ðức Toàn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: “Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện triển khai nhiều giải pháp, từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể. Có nhiều hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo, đây là việc làm mang ý nghĩa xã hội sâu sắc đối với chính quyền và cả hệ thống chính trị”.
Sau 20 năm chia tách, huyện Cái Nước đã thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2023, huyện chỉ còn 275 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, chiếm 0,8%, trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với các huyện trong tỉnh./.
Việt Tiến